
Thử hình dung, một ngày, một cô gái trẻ có ngoại hình bắt mắt, ăn nói dịu dàng, vẻ mặt đáng tin như đã quen từ lâu đến nói với ta như một người bạn rằng có một món hàng thật sự chất lượng, mới ở điểm này, khác biệt ở điểm kia... Để rồi như bị bùa mê, ta đi mua sản phẩm đó về dùng…
- PR – từ đâu “em” đến?

NSND Lê Khanh với vai trò đại sứ thiện chí cùng các tình nguyện cổ động chương trình “Giặt và đóng gói đồng phục cũ cùng OMO”. (Chương trình do Công ty Venus làm PR cho Công ty Unilever Việt Nam).
Có thể tạm hình dung về PR (Public Relations – quan hệ cộng đồng) là như vậy. Bạn có bất ngờ không khi “cô gái” mang tên PR này có đến hơn 500 định nghĩa khác nhau nhưng tựu trung lại, có thể khái quát: ‘’PR là một quá trình quản lý về truyền thông nhằm nhận biết, thiết lập và duy trì những quan hệ hữu ích giữa một tổ chức, cá nhân với những cộng đồng liên quan có quyết định trực tiếp hay gián tiếp tới sự thành bại của tổ chức, cá nhân đó”.
Ba lĩnh vực được xem là có quan hệ trực tiếp đến vị trí của PR trong xã hội hiện đại gồm: báo chí, quảng cáo và marketing nhưng PR không phụ thuộc vào 3 lĩnh vực này. PR không phải là báo chí, không phải là quảng cáo và cũng không hẳn là marketing. PR xuất hiện đầu tiên ở Mỹ vào thế kỷ 19, cha đẻ của PR là những nhà báo tiến bộ và có đầu óc kinh doanh.
Ra đời sau nhưng đến nay, nhận định “PR bỏ xa quảng cáo” hay “thời đại PR” ngày càng tỏ ra vững chắc. Sự hiện diện khắp hang cùng ngõ hẻm của quảng cáo nhằm “cài đặt” hình ảnh thương hiệu đã khiến người tiêu dùng bội thực. Để xây dựng thương hiệu, nhà sản xuất tìm cách khác.
Và như thế, PR lên ngôi: định vị hình ảnh sản phẩm bằng cách tăng sự hiểu biết về sản phẩm, làm cho ta móc tiền ra mua sản phẩm (có vẻ như) không phải bởi quảng cáo mà bởi lòng tin. Quảng cáo vẫn còn đó, để nhắc nhớ và củng cố thương hiệu sau khi PR cùng với giới truyền thông tìm được sự hậu thuẫn của khách hàng.
- Doanh nghiệp và PR
Không chỉ trong hoạt động kinh doanh, mà cả ở khía cạnh ngoại giao, PR cũng là một “vũ khí” rất sắc bén và hiệu quả để xây dựng “hình ảnh thương hiệu” cho một quốc gia. Những chính sách đầu tư, luật định ban hành, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng tầm cỡ quốc gia… tưởng chừng không mấy liên quan đến PR lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động “giao thiệp” với bạn bè trên thế giới. |
PR là nghề “lấy lòng công chúng” cho những mục đích riêng của một công ty, tổ chức. Muốn lấy lòng công chúng, trước hết phải lấy lòng giới truyền thông. Người làm PR dùng nhiều loại “mật ngọt” để gây ảnh hưởng tới giới truyền thông và sau đó là “gây mê” khách hàng bằng các hoạt động quảng bá hấp dẫn.
Nhiệm vụ chính của nhân viên PR nghe có vẻ hơi khô khan: soạn thông cáo báo chí (press-release), viết các bản tin nội bộ, cung cấp thông tin cho đối tác... nhưng thật ra, những công việc đó lại đầy tính sáng tạo. Ngoài khả năng diễn đạt ý tưởng và kiểm soát thông tin, người làm PR còn phải am hiểu về sản phẩm, hoạt động của doanh nghiệp, phải biết “đánh” đúng nhu cầu của giới truyền thông vốn cần thông tin nhưng lại “kênh kiệu” với bất cứ thứ gì không thực sự mới lạ và khác biệt…
Học bổng “Đèn đom đóm”, học bổng “Coca-Cola”, chương trình ca nhạc thời trang “Khám phá phong cách Aquafina”, “Giải bóng đá Tiger Cup”, “Chương trình hiến máu nhân đạo của nhân viên Prudential”… là những hoạt động PR đã góp phần không nhỏ giúp các thương hiệu Cô gái Hà Lan, Coca-Cola, Pepsi, Tiger, Prudential... tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của công chúng. Tiếc rằng, đối với các DN Việt Nam, khái niệm PR dường như ít nhiều vẫn còn xa lạ.
Trụ lại trên thương trường là một cuộc đua marathon mà doanh nghiệp là các vận động viên. Có nhiều cách để định vị thương hiệu với mục tiêu chung sau cùng là “găm” được thương hiệu vào tâm trí khách hàng và PR là hoạt động có tác động tích cực hàng đầu trong việc quảng bá thương hiệu.
Công việc PR có vẻ “lặng thầm” nhưng nếu được “kích nổ” đúng lúc, nó sẽ giúp doanh nghiệp truyền tải các thông điệp đến khách hàng và những nhóm công chúng quan trọng của họ. Lúc này, sản phẩm sẽ dễ đi vào nhận thức của khách hàng, cụ thể là giúp khách hàng dễ dàng liên tưởng đến thương hiệu khi “nảy sinh” một nhu cầu nào đó.
- Bạn đã sẵn sàng cho loại “vũ khí” mới?
Cả thế giới như đang “sôi sục” lên với những gì PR đã làm được so với “đàn anh” quảng cáo. Tác giả những đầu sách tiếp thị nổi tiếng Jack Trout, vừa cho ra đời tác phẩm “Quảng cáo thoái vị-PR lên ngôi” như một minh chứng hùng hồn cho ưu thế của PR so với các hoạt động marketing khác, đặc biệt là quảng cáo. Không chỉ trong hoạt động kinh doanh, mà cả ở khía cạnh ngoại giao, PR cũng là một “vũ khí” rất sắc bén và hiệu quả để xây dựng “hình ảnh thương hiệu” cho một quốc gia.
Những chính sách đầu tư, luật định ban hành, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng tầm cỡ quốc gia… tưởng chừng không mấy liên quan đến PR lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động “giao thiệp” với bạn bè trên thế giới. Vì vậy, việc chuẩn bị những kiến thức căn bản cần thiết để có thể đưa ra kế hoạch PR hiệu quả là hết sức cần thiết.
Trên thực tế, tầm ứng dụng của PR trải dài từ một cá nhân, một tổ chức đến cả một quốc gia, một khối liên minh kinh tế-văn hóa-chính trị vì nó luôn tồn tại và xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Người làm PR không chỉ đòi hỏi kỹ năng chuyên môn đơn thuần mà còn là sự đam mê và một chút năng khiếu bẩm sinh. Có phải vì thế mà thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe nói nửa đùa, nửa thật: “PR có khi chẳng cần học cũng làm được mà có khi học mãi cũng làm chẳng được”.
TRUNG VÂN