(SGGP).– Bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng chịu thuế và cân nhắc phương pháp tính thuế để bảo đảm đúng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền để xử lý ô nhiễm, ô nhiễm nhiều phải trả tiền nhiều” – đó là quan điểm được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ khi thảo luận về dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường trong phiên họp toàn thể của QH sáng 5-6.
Theo các ĐB Danh Út (Kiên Giang), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), còn khá nhiều loại sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nhưng dự thảo luật chưa đưa vào diện chịu thuế, điển hình như thuốc lá, các loại hóa chất bảo vệ thực vật, các loại hóa chất tẩy rửa...
Với quan điểm xác định rạch ròi “công – tội” của các loại sản phẩm gây ô nhiễm, ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) không đồng tình với quan điểm cho rằng không nên đánh thuế bảo vệ môi trường đối với hóa chất bảo vệ thực vật vì sợ “nặng gánh” cho bà con nông dân. Ông nói: “Đánh thuế những loại gây ô nhiễm vừa đảm bảo công bằng với các loại sản phẩm khác, vừa là một cách khuyến khích bà con chuyển sang sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không gây hại cho môi trường”.
ĐB Bùi Thị Hòa (Đắc Nông), Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) nhìn nhận, nguyên tắc “người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền, gây ô nhiễm nhiều trả tiền nhiều” chưa được thể hiện rõ trong dự luật. “Than chịu thuế ít hơn xăng dù than gây ô nhiễm lớn hơn; tương tự dầu cũng gây ô nhiễm hơn xăng, nhưng cũng chịu thuế ít hơn”, bà Hòa dẫn chứng. ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương đồng tình: “Quy định như vậy chỉ mới có ý nghĩa hạn chế sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường mà chưa định hướng người tiêu dùng lựa chọn loại sản phẩm “xanh” hơn, ít gây ô nhiễm hơn”.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, đưa thêm một số đối tượng chịu thuế cụ thể nữa. Về kỹ thuật làm luật, có thể sử dụng “điều khoản quét” là giao Chính phủ trình QH bổ sung các đối tượng chịu thuế mới tùy thuộc vào tình hình thực tế của đất nước.
Anh Phương