Đầu tư bến bãi vận tải hàng hóa

Quá khó!

Quá khó!

Số lượng bến bãi cho xe tải lưu đậu mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 – 30% nhu cầu. Để huy động sức dân cùng thành phố giải vấn đề này, UBND TPHCM đã ban hành quy định khuyến khích đầu tư, khai thác bến bãi vận tải đường bộ trên địa bàn thành phố. Nửa năm đã trôi qua, kể từ khi quyết định trên được ban hành, nhưng mới chỉ có 3 doanh nghiệp chính thức tham gia đầu tư xây dựng bến bãi.

  • Nay được, mai không
Quá khó! ảnh 1

Chiếm lề đường Trường Chinh (quận Tân Phú) làm bãi đậu xe. (Ảnh chụp 28-12-2004). Ảnh: CAO THĂNG

Khi quyết định được ban hành, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM đã bàn tán sôi nổi và tính đến những kế hoạch đầu tư dài hơi vào bến bãi. Công ty cổ phần Vận tải giao nhận và thương mại Quang Châu - một thành viên của hiệp hội đã đi tiên phong trong vấn đề này. Chỉ sau một tháng, Công ty Quang Châu có văn bản đề nghị được đầu tư xây dựng bến bãi tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh - một trong số 5 địa điểm mà Sở Giao thông Công chánh công bố có thể xây dựng bến bãi và kêu gọi đầu tư.

Ngày 30-7-2004, UBND TPHCM đã có văn bản chấp thuận đề nghị của Công ty Quang Châu. Công ty Quang Châu đã làm việc với UBND huyện Bình Chánh thỏa thuận về việc xây dựng bến bãi và thống nhất về vị trí xây bến bãi. Tuy nhiên, đến giữa tháng 12-2004, công ty bất ngờ nhận được công văn của UBND huyện Bình Chánh thông báo: Vị trí xây dựng bãi xe nằm trong khu quy hoạch xây dựng dân cư (!).

Đề nghị công ty chuyển sang khảo sát ở địa điểm mới. Giám đốc Công ty Quang Châu, ông Nguyễn Ngọc Huyện bức xúc: Tại sao đến phút chót UBND huyện Bình Chánh lại có văn bản không chấp thuận địa điểm xây dựng bến bãi ở Tân Túc. Nếu đất này nằm trong khu quy hoạch dân cư thì huyện phải thông báo ngay cho Sở Giao thông Công chánh biết hoặc chí ít ra sở phải biết để không đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư. Tại sao để doanh nghiệp tốn công, tốn tiền, tốn thời gian vào nghiên cứu, cuối cùng lại trả lời là không?

Công ty Nông thổ sản 2 là doanh nghiệp thứ 2 xin đầu tư xây dựng bến bãi vận tải hàng hóa. Công ty đã có văn bản xin đầu tư ở Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức - cũng là một địa điểm mà Sở Giao thông Công chánh đã công bố được xây dựng bến bãi.

Tuy nhiên, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng tại đây đang gặp rất nhiều khó khăn, nên công ty đã xin chuyển hướng đầu tư sang hình thức mới, có thể là thuê đất của nhà nước để làm bến bãi. Doanh nghiệp tư nhân Thành Hiệp Phát là doanh nghiệp thứ 3 xin đầu tư xây dựng bến bãi, vừa mới được UBND TP chấp thuận vào giữa tháng 12-2004 vừa qua. Theo bà Bùi Thị Dung, Giám đốc doanh nghiệp: đơn vị đang đợi giá đất mới để tính tiền đền bù, giải phóng mặt bằng. Công việc mới ở giai đoạn bắt đầu…

  • Một vấn đề nóng: giá cả

Không chỉ các đơn vị vận tải mới tích cực hưởng ứng chủ trương khuyến khích đầu tư xây dựng bến bãi vận tải hàng hóa, Doanh nghiệp tư nhân Thành Hiệp Phát có hơn 1.000 xe mà hiện nay họ mới có chỗ lưu đậu cho hơn 200 xe. Do vậy, nếu không khẩn trương tìm thêm chỗ đậu mới thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy tu, bảo dưỡng xe. Tương tự Công ty Quang Châu có hơn 250 xe nhưng mới có một bãi đậu xe ở Bình Hưng Hòa, lưu đậu được khoảng 100 xe. Xin đầu tư xây dựng thêm bến bãi mới, 2 đơn vị này trước hết muốn giải quyết được nhu cầu đậu xe của chính đơn vị.

Tại sao việc đầu tư bến bãi vận tải chưa hấp dẫn các doanh nghiệp ngoài ngành vận tải cho dù UBND TP đã có nhiều ưu đãi về đầu tư? Câu trả lời thật ngắn gọn: Xây xong rồi xe nào vào đậu? Có một thực tế rất nhiều xe tải hiện không vào lưu đậu tại một bến bãi nào cả mà cứ đậu tràn lan xuống đường. Buổi tối, đi dọc Quốc lộ 1A, khu vực ngã tư An Sương, đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức)… hàng chục, thậm chí hàng trăm xe tải đậu dọc theo suốt chiều dài của đường.

Nhiều tài xế mắc võng xuống ngay gầm xe để ngủ, để chờ một chuyến hàng mới. Chỗ đậu dưới đường chật, thì các xe sẽ tìm đến các bãi đậu xe của tư nhân nằm rải rác gần Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A, Xuyên Á… Rất hiếm xe tìm chỗ lưu đậu tại các bến xe của Công ty Bến bãi vận tải hàng hóa thành phố. Giá lưu đậu một chiếc xe tải nặng trong một ngày đêm tại điểm đậu xe gần trạm bơm dầu An Phú là 20.000 đồng, tài xế ăn, ngủ miễn phí. Nếu đậu ở Công ty Bến bãi thì phải tốn 30.000 đồng.

Tất nhiên, có nhiều lý do để có sự chênh lệch như trên. Thế nhưng chủ yếu vẫn là việc đầu tư ban đầu có khác nhau. Trong khi các doanh nghiệp phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật tối thiểu ở bãi xe đúng theo quy định như trồng cây xanh, xây dựng hệ thống thoát nước, nhà nghỉ cho tài xế… thì các điểm đậu xe của tư nhân thường chỉ là các bãi trống. Điều đáng nói, hiện nay các điểm cho đậu xe của tư nhân mọc lên nhan nhản khắp các trục đường. Thống kê cho thấy, số lượng các điểm này đã lên tới hơn 30 (chỉ tính ở khu vực quận 12, Thủ Đức, Hóc Môn, Tân Bình, Bình Tân).

Giảm dần các điểm đậu xe tự phát và phát triển các bãi đậu xe đúng quy định là điều cần phải hướng tới.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục