Chiến tranh đã lùi xa hơn một phần ba thế kỷ, nhưng dấu ấn của nó không thể phai mờ trong ký ức của những người lính đã trải qua chiến tranh. Bây giờ cuộc sống đã đổi thay. Câu chuyện vươn ra thế giới hội nhập, làm giàu… cứ diễn ra. Nhưng đối với không ít cựu chiến binh và gia đình của họ, bữa ăn, nơi ở, việc làm… vẫn là mối quan tâm lo lắng hàng ngày.
Ấy vậy mà khi nhắc đến một thời quân ngũ là gương mặt họ lại bừng sáng, như thể trên đời này không có chuyện cạnh tranh sát phạt, không có kẻ giàu, người nghèo… Chỉ có tình đồng chí, đồng đội và những kỷ niệm một thời đánh giặc gian nan, ác liệt mà thấm đẫm tình người. Đó là cảm nhận chung của người viết bài này khi đọc những tập hồi ký, nhật ký, ghi chép, những tập thơ của các cựu chiến binh, cựu Thanh niên xung phong. Tập Quà tặng thời gian (ảnh bìa sách) của Ban Liên lạc bạn chiến đấu Tuyên huấn Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) do NXB Thanh niên ấn hành, là một trong những tập sách như thế.
Trên 50 truyện, ký và thơ của 25 tác giả, những người từng làm lính Sư đoàn 9 thời chống Mỹ, là câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội. Đúng như lời mở đầu tập sách của Đại tướng Lê Văn Dũng, một trong những cựu chiến binh của Sư đoàn 9: Quà tặng thời gian thể hiện đa tầng, đa dạng các sự kiện, những va đập của chiến tranh, của cuộc sống đương đại đa chiều với nỗi cảm thông sâu sắc và ý chí hào hùng của người trong cuộc.
Những kỷ niệm chiến tranh như dòng suối mát vô tận. Mỗi người có một kỷ niệm riêng, nhưng cái chung nhất vẫn là tình yêu đối với quê hương, đất nước, đồng chí, đồng đội và những người thân yêu, ruột thịt. Đặng Cao Khâm có một kỷ niệm đẹp với người nữ du kích Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ.
Một lần anh được người con gái xinh đẹp ấy đưa lên núi Bà Đen. Anh đã viết về cái thuở ban đầu lưu luyến ấy: Anh đến từ chân trời góc bể/Xao xuyến một ngày em nắm tay/Trao vuông khăn tím/Đôi bồ câu tung cánh/Lời em như cỏ mịn thì thầm/Như thực như mơ… (Đi cùng em trên núi Bà Đen). Ai đã từng có mặt trong những ngày đánh Mỹ, chắc chắn sẽ hiểu hình ảnh đôi bồ câu tung cánh. Đó là vật kỷ niệm thầm kín, sâu thẳm của đôi lứa yêu nhau trước ngày ra trận. Mà ra trận thì không ai có thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Và, đúng thế, chuyện xảy ra đã xảy ra. Chiến tranh là hiện tượng bất thường của đời sống xã hội. Một ngày kia trở lại chiến trường xưa, Đặng Cao Khâm không bao giờ gặp lại người con gái xinh đẹp ấy nữa. Chị đã ngã xuống bên chân núi Bà Đen. Nấm mộ chị cỏ mịn thì thầm: Trong nghĩa trang em cùng bè bạn/Lẫn vào hồn đất chẳng cô đơn… (Gió hát mãi tên em).
Khóc bạn, tìm đồng đội là chủ đề xuyên suốt của Quà tặng thời gian. Cách đây không lâu tôi có dịp cùng hai vị tướng, một già, một trẻ về dự lễ khánh thành khu tượng đài kỷ niệm chiến thắng Tàu Ô – Xóm Ruộng bên đường 13 thuộc tỉnh Bình Phước. Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, năm nay đã hơn 80 tuổi vẫn còn mạnh khỏe, tráng kiện. Còn Trung tướng Đào Văn Lợi kém ông gần 20 tuổi thì đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Biết mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo sắp phải ra đi, Đào Văn Lợi tập trung mọi sức lực, tâm huyết cùng đồng đội ráng hoàn thành công trình đài tưởng niệm đúng tiến độ. Trước tấm đá khắc ghi danh sách hơn 1.000 đồng đội đã ngã xuống mảnh đất Tàu Ô - Xóm Ruộng, Đào Văn Lợi không cầm được nước mắt. Nhưng chỉ ít ngày sau, nước mắt của đồng đội lại dành tiễn đưa anh.
Chứng kiến những cảnh huống như thế nên đọc Quà tặng thời gian của các cựu chiến binh từng tham gia các trận đánh nảy lửa trên đường 13 ngày ấy, chúng ta mới thấy cái giá của ngày hôm nay. Trung tướng Bùi Sỹ Vui, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Quân ủy Trung ương, từng làm Trưởng tiểu ban Tuyên huấn Trung đoàn 3 Sư đoàn 9, trong một lần đi tìm mộ đồng đội đã viết: Em đi tìm anh suốt mấy cánh rừng/Chi chít mộ nằm không tên tuổi/Giấc mơ bảo anh nằm hàng cuối/Chiến trường xưa đồng đội vẫn bên nhau (Đi tìm mộ anh). Cùng tâm trạng ấy, Hoàng Đức Chính, nguyên Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 1, lại thể hiện ở một góc độ khác: Rồi mai ai đưa tang dòng sông/Mây trời bạc trắng cánh buồm/Bên mộ em tiếng nấc người xa lạ/Tôi biết mình thành cát sỏi cô đơn (Thơ gửi dòng sông)…
Bên cạnh mảng thơ, Quà tặng thời gian có nhiều câu chuyện cảm động về một thời chiến tranh gắn liền với những tên đất, tên người trên mảnh đất miền Đông gian lao mà anh dũng. Đó là Bạn chiến đấu ngày ấy, bây giờ của Trần Ngọc Thị, Nhớ Miền Đông của Nguyễn Như Bượi, Xuống đường của Nguyễn Đăng Luân, Từ sông Hồng đến sông Vàm Cỏ của Lại Quyết Thắng…
Đọc Quà tặng thời gian, không chỉ thưởng ngoạn ngữ nghĩa, văn chương mà cái cốt lõi nhất là khám phá những gì được gọi Quà tặng thời gian của những cựu chiến binh gửi lại cho hậu thế. Đúng như email của Đặng Thúy Hằng, con một cựu chiến binh Sư đoàn 9, hiện đang học tiến sĩ tại Đại học Cambridge - Vương quốc Anh gửi về nhân đọc Quà tặng thời gian: Chúng cháu là thanh niên thế hệ 7X, 8X rất tự hào là con em của các cựu chiến binh Sư đoàn 9. Xin các bậc tiền bối hãy yên tâm. Hổ phụ ắt sinh hổ tử. Chúng cháu luôn tâm niệm phải nỗ lực phấn đấu đi theo con đường mà cha anh đã chọn.
Có lẽ thế, Quà tặng thời gian là món quà hữu ích cho hôm nay và cả mai sau.
Đêm 20-8-2011
TRẦN BẢO TRÂN