
Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM vừa trình UBND TPHCM quy hoạch mới của quận 12. Theo đó, diện tích mới của quận là 5.274,9ha, tăng 69,9ha so với quy hoạch năm 1999. Dân số hiện trạng khoảng gần 300.000 người, dân số dự kiến đến 2010 là 358.000 người, năm 2015 là 405.000 người và năm 2020: 450.000 người.
Cơ cấu kinh tế quận: Dịch vụ - công nghiệp - du lịch
Quận 12 đang thực sự có những bước chuyển mình mạnh mẽ từ khi tách ra từ huyện Hóc Môn. Tại đây đã có các trung tâm dịch vụ thương mại, khu công nghiệp – TTCN, công viên văn hóa, vui chơi giải trí, kết hợp du lịch sông nước, vườn cây ăn trái và di tích lịch sử, các đường giao thông đầu mối… - những đặc trưng cơ bản của một đô thị. Chính vì vậy, để phù hợp với tình hình mới, Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND quận 12 đã thống nhất điều chỉnh quy hoạch quận theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp sang hướng dịch vụ - công nghiệp - du lịch. Theo đó, sẽ xây mới trung tâm công nghệ sinh học. Nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao như hoa kiểng các loại, cây ăn trái, vật nuôi đặc sản và phát triển chúng theo mô hình nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái.
Các xí nghiệp công nghiệp hiện hữu tại khu vực phường Tân Thới Nhất, Đông Hưng Thuận, An Phú Đông v.v… sẽ được di dời vào các khu công nghiệp.

Công viên phần mềm Quang Trung, quận 12 thu hút nhiều học sinh, cử nhân học tập làm việc. Ảnh: ĐỨC THIỆN
Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc chủ yếu được đưa ra là: đất dân dụng từ 80-85m2/người, đất khu ở từ 45-49m2/người, đất công trình công cộng từ 4-6m2/người, đất công viên cây xanh từ 10-12m2/người. Mật độ xây dựng đối với khu ở là 20%-50%, công trình công cộng là 30%-35%. Tầng cao xây dựng tối đa: khu vực giáp quận Gò Vấp là 15 tầng. Các khu vực khác không khống chế nhưng phù hợp với yêu cầu khống chế tĩnh không của sân bay Tân Sơn Nhất.
Năm khu nhà ở
Quận 12 sẽ có 5 khu ở. Trong đó, về cơ bản: khu 1, 2 và 3 sẽ có mật độ xây dựng cao với các nhà cao tầng. Khu dân cư 4 và 5 là nhà vườn sinh thái, mật độ xây dựng thấp và phải làm nhiệm vụ tạo cảnh quan dọc sông Sài Gòn. Cụ thể, khu 1 nằm phía Tây Nam quận gồm phường Tân Thới Nhất và Đông Hưng Thuận; diện tích 820ha, dân số dự kiến khoảng 120.000 người. Khu 2 nằm phía Tây Bắc của quận gồm phường Trung Mỹ Tây và phường Tân Chánh Hiệp; diện tích 698 ha, dân số dự kiến: 95.000 người.
Đây là các khu vực dân cư có tốc độ đô thị hóa cao, dự kiến 2 khu này được chỉnh trang, nâng cấp thông qua việc xác định thêm các tuyến đường nội bộ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đồng thời sắp xếp lại để tạo thêm quỹ đất xây dựng công trình công cộng nhằm cải thiện môi trường sống cho khu vực. Khu 3 gồm các phường Hiệp Thành, phường Thới An và phường Tân Thới Hiệp; diện tích 1.250 ha, dân số dự kiến 160.000 người.
Khu ở hiện hữu sẽ cải tạo chỉnh trang, phát triển khu ở mới theo hướng xây dựng chung cư cao tầng phục vụ tái định cư, khu ở cho đối tượng có thu nhập thấp. Khu 4 bao gồm phường Thạnh Xuân và Thạnh Lộc; diện tích 1.550ha, dân số dự kiến 50.000 người. Khu 5 gồm phường An Phú Đông, một phần nhỏ của phường Thạnh Lộc và Tân Thới Hiệp; diện tích 959 ha, số dân dự kiến 25.000 người. Khu 4 và 5 là khu dân cư mật độ thấp, vùng đất trũng, sông rạch nhiều, đất có giá trị phát triển kinh tế vườn nên có thể xây dựng khu dân cư kết hợp phát triển du lịch, mật độ xây dựng thấp < 25%.
Chuyển trung tâm quận đến đường Lê Thị Riêng và Quốc lộ 1A
Trung tâm hành chánh quận được bố trí lại tại khu vực đường Lê Thị Riêng và quốc lộ 1A thay vì ở khu vực Hội chợ Quang Trung như quy hoạch năm 1999. Trung tâm thương mại-dịch vụ cấp thành phố sẽ không xây dựng ở quận 12 mà dời đến khu đô thị Tây Bắc thành phố. Trung tâm thương mại cấp quận sẽ được bố trí dọc trục đường Lê Thị Riêng và trong khu dân cư làng Thanh Thủy của phường An Phú Đông (đã có quy hoạch chi tiết được duyệt).
Công trình công cộng cấp phường bố trí phân tán theo 5 khu ở. Công viên cây xanh công cộng sẽ có Công viên Văn hóa giải trí quy mô 155 ha tại phường Thạnh Xuân, Thới An ; các khu cây xanh kết hợp thể dục thể thao xen cài trong khu dân cư, hệ thống cây xanh cách ly giữa khu dân cư với khu công nghiệp; hành lang hạ tầng kỹ thuật và cây xanh cảnh quan dọc sông rạch…
Hệ thống giao thông sẽ bao gồm: tuyến vành đai 2 (quốc lộ 1A), tuyến hướng tâm (quốc lộ 22, Hà Huy Giáp, Tô Ký, Lê Văn Khương), tuyến vành đai 3 đi qua phường Hiệp Thành, Thới An, Thạnh Xuân, Thạnh Lộc và tuyến đường sắt quốc gia . Đường trên cao, dự kiến quy hoạch trên đường Vườn Lài. Giao thông thủy: dự kiến sẽ có tuyến đường thủy trên kênh Tham Lương-Vàm Thuật-sông Sài Gòn. Đường sắt đô thị, sẽ có tuyến xe điện (monorail) theo hành lang đường Quang Trung, tỉnh lộ 15; hai tuyến metro trên đường Hà Huy Giáp-Nguyễn Oanh và Tham Lương-Tân Thới Nhất. Ga metro tại phường Thạnh Xuân và Tân Thới Nhất. Xe lửa liên tỉnh: Sài Gòn đi Tây Ninh sẽ qua quận 12.
BÙI MINH ANH