(SGGP).- Trong ngày thứ hai của diễn đàn bàn tròn về quy hoạch và phát triển đô thị nhằm thích nghi và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do UBND TPHCM và Hội đồng Vành đai Thái Bình Dương về phát triển đô thị (PRCUD) tổ chức, các đại biểu đã bàn về phát triển quận 6. Trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh những năm qua đã tác động rất lớn đến môi trường quận 6: ô nhiễm không khí, đất, nước ở nhiều mức độ khác nhau, với nỗi lo ngập lụt tràn lan trên địa bàn quận vào mùa mưa.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân gây ngập ở quận 6 là do địa bàn trũng nên việc tổ chức thoát nước không thuận lợi; việc thu hẹp diện tích các khu đầm lầy đã làm giảm khả năng thấm và chứa nước tự nhiên như trước đây…
Đại diện Đại học Quốc gia TPHCM nhấn mạnh, nguyên nhân khiến quận 6 ngập là do bề mặt bê tông hóa cao, chiếm 98% các khu dân cư. Cấu trúc xây dựng nhà hiện tại ở TPHCM cũng là nguyên nhân gây ngập. Ví dụ như đường Hồng Bàng khi trời mưa trở thành sông đổ thẳng vào quận 6 vì dãy nhà hai bên đường được xây dựng san sát đã tạo thành đê ngăn dòng chảy của nước.
Các chuyên gia của PRCUD đề nghị phải trả lại các khu đất xốp để thoát nước cho khu vực này. Trong đó sử dụng những con hẻm trong khu dân cư có bề mặt bán thấm để thoát nước mưa; trồng cây xanh dọc hai bên đường để tăng các khoảng đất thấm nước.
Tại diễn đàn, đa số đại biểu đều cho rằng, các dự án và nghiên cứu liên quan đến quận 6 không chỉ tập trung vào những mục tiêu ngắn hạn để giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh về thoát nước và cải thiện môi trường hiện hữu đang xuống cấp của khu vực mà còn phải quan tâm đến những diễn biến của biến đổi khí hậu có thể tác động đến.
Trong đó, giải pháp dài hạn là cần phải thay đổi cấu trúc ở của người dân tại khu vực này theo hướng xây dựng các khu đô thị nén, dành phần đất trống làm công viên để tạo mảng xanh cho khu vực, đồng thời giảm bê tông hóa để thoát nước.
N.Nguyễn