Quản chặt, sử dụng hiệu quả

 Ngày 2-10, lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành quản lý đất đai (3-10-1945 - 3-10-2015) được Tổng cục Quản lý đất đai tổ chức tại Hà Nội.

Nếu như thời kỳ đầu, công tác quản lý địa chính chủ yếu là quản lý đất nông nghiệp và thu thuế điền thổ, thì đến nay, ngành quản lý đất đai đã phải đảm đương rất nhiều nhiệm vụ: từ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; xác định địa giới hành chính; lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… cho đến giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Đặc biệt, kể từ khi thành lập Tổng cục Quản lý đất đai (năm 2008) đến nay, ngành tiếp nhận thêm từ Bộ Tài chính lĩnh vực giá đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; ổn định mô hình 4 cấp từ trung ương đến địa phương với chức năng nhiệm vụ hoàn chỉnh.      

Song hành với tiến trình xây dựng, điều chỉnh cơ cấu tổ chức ngành, pháp luật về đất đai của nước ta cũng từng bước được hoàn thiện. Luật Đất đai của nước ta được ban hành lần đầu tiên vào năm 1987, đến năm 1993, Quốc hội thông qua Luật Đất đai lần thứ 2. Luật này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 1998 và 2001. Năm 2003, Luật Đất đai lần thứ 3 được thông qua (sửa đổi, bổ sung một số nội dung vào năm 2009) và gần đây nhất, Luật Đất đai 2013 đã được ban hành, đang được thực thi. 

Trong thực thi pháp luật về đất đai, năm 2014 được coi là đã đánh một dấu mốc quan trọng. Cả nước đã cấp được hơn 41 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại với tổng diện tích gần 23 triệu ha, đạt 94,9% diện tích cần cấp giấy. Tất cả 63 tỉnh, thành phố đều đã đạt tỷ lệ cấp giấy các loại trên 85%. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để quản lý quỹ đất, góp phần xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tạo tiền đề thúc đẩy thị trường bất động sản và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân… Năm 2015 cũng sẽ ghi thêm một dấu mốc quan trọng khác, với việc thực hiện kiểm kê đất đai theo 4 cấp, nhằm xây dựng bộ số liệu chuẩn về đất đai, phục vụ kịp thời, hiệu quả việc hoạch định đường lối chính sách, quy hoạch, kế hoạch của các ngành kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Nói như Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trong dịp này, nhiệm vụ của ngành quản lý đất đai trong những năm tiếp theo còn rất nặng nề: tham mưu cho Đảng, Nhà nước các chủ trương chính sách và tổ chức thực hiện nhằm từng bước nắm chắc, quản chặt, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, phát huy tốt nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, từng bước xây dựng ngành quản lý đất đai chính quy, hiện đại. Người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cũng chỉ rõ, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngành quản lý đất đai còn phải nỗ lực rất nhiều, dù những thành tựu quan trọng của một chặng đường dài 70 năm là rất đáng tự hào.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục