Quản chặt từ gốc

Với khoảng gần 10 triệu người làm việc, học tập và sinh sống, mỗi ngày TPHCM cần đến hàng ngàn tấn thực phẩm tươi sống cho nhu cầu ăn uống của mình. Các loại thực phẩm này rất đa dạng, hàng trăm loại, nhưng phổ biến nhất là heo, bò, gà, vịt, cá, tôm… Vốn là một thành phố hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ, đất chật người đông nên nhu cầu về thực phẩm tươi sống ấy chủ yếu do các tỉnh cung ứng. Đó cũng là kết quả tất yếu và hợp lý của quy luật phân công lao động xã hội.

Nhu cầu thì rất lớn nhưng các cơ sở sản xuất và kênh phân phối chính thức của hệ thống bán buôn và bán lẻ thực phẩm tươi sống mà nhà nước có thể nắm được lại chỉ chiếm rất ít, khoảng gần một phần tư. Phần còn lại do tư thương chi phối. Hàng ngày, thực phẩm tươi sống tự do từ muôn nẻo tràn về các chợ đầu mối cùng hàng trăm chợ nhỏ và tự phát trên khắp thành phố, len lỏi vào mâm cơm của mỗi gia đình. Đây là nguồn thực phẩm khó kiểm soát nhất. Hầu hết các tư thương chân chính đều làm đúng chức năng của mình: chỉ thu mua sản phẩm sạch và chuyển “nguyên đai nguyện kiện” từ người sản xuất đến người tiêu dùng, mặc dù họ lời không nhiều. Song không ít kẻ đã dùng mọi thủ đoạn, kể cả bẩn thỉu nhất, để kiếm thêm nhiều lợi nhuận.

Sau một cái tết cổ truyền an lành, thị trường đang tràn lan thực phẩm bẩn. Phổ biến nhất là thực phẩm tươi sống không qua kiểm dịch của các cơ quan có trách nhiệm. Đặc biệt nguy hiểm là những gia cầm, gia súc bệnh hoặc thiu thối những kẻ vô lương tâm phù phép, trốn tránh kiểm dịch và che mắt cơ quan quản lý tuồn về các chợ tự phát. Những nguồn thực phẩm này mang đầy mối hiểm nguy cho người tiêu dùng, nhất là những người nghèo, những công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất – họ mua những thực phẩm này một phần do rẻ hơn, một phần do tiện lợi vì nó được bán ở các chợ chồm hổm, bên lề đường về nhà họ sau những giờ lao động mệt nhọc…

Tình trạng trên thực ra không mới. Nhưng làm thế nào để đảm bảo cho xã hội luôn luôn có nguồn thực phẩm sạch, giữ gìn sức khỏe của cộng đồng, tiệt trừ tận gốc những tiêu cực trong lĩnh vực này? Đó là câu hỏi lớn cho các cơ quan chức năng.

Để có một nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho xã hội, đầu tiên phải thực hiện ở các cơ sở chăn nuôi (heo, bò, gà, vịt, cá, tôm…). Các cơ sở này, ở TPHCM và các tỉnh lân cận, phải thực hiện đúng quy trình chăn nuôi chuẩn, với số lượng lớn và ngày càng mở rộng đủ để cung ứng cho nhu cầu rất lớn của TPHCM. Khi nguồn này càng lớn, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, không đảm bảo thực phẩm sạch sẽ ngày càng thu hẹp. Một giải pháp khác rất căn cơ là nhà nước phải đầu tư mở rộng hệ thống phân phối bán lẻ (Co.opMart, CitiMart…), tiện lợi đến tay người tiêu dùng, đặc biệt cần tập trung cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu vực dân cư nghèo, đông người lao động và học sinh, sinh viên… Khi hệ thống này càng mở rộng, các chợ chồm hổm, lề đường tự phát, đất sống của các thực phẩm bẩn, sẽ ngày càng bị thu hẹp và có thể biến mất.

Một giải pháp rất quan trọng là các cơ quan chức năng (quản lý thị trường, y tế, quản lý các chợ…) thường xuyên kiểm tra các nguồn hàng về các chợ, trong đó nhà nước cần tăng thêm lực lượng và kinh phí cho các hoạt động kiểm tra. Đặc biệt phải xử lý thật nghiêm những kẻ vi phạm; không chỉ tịch thu, tiêu hủy sản phẩm bẩn, phạt thật nặng mà có thể truy tố những hành vi nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng. Chính quyền các địa phương cần kiên quyết xử lý, dẹp các chợ tự phát, chợ lòng lề đường; quy hoạch lại các chợ sao cho tiện lợi với người lao động và phù hợp với mật độ dân cư của khu vực. Mặt khác, cần phải tăng cường giáo dục cho cộng đồng thấy rõ mối nguy hại của thực phẩm bẩn để người tiêu dùng cảnh giác, tẩy chay sản phẩm bẩn, bảo vệ sức khỏe của chính mình. 

P.LỘC

Tin cùng chuyên mục