Quán cóc phố tôi

Bây giờ người ta mở quán cà phê to lắm, hoành tráng lắm, thậm chí có nhiều quán nằm trong hệ thống cà phê và đồ uống, rải từ Bắc vô Nam, nghe nói làm ăn lời lãi lắm, trở thành tiếng tăm.
Minh họa: DIỄM KHANH
Minh họa: DIỄM KHANH
 Có những quán cà phê là nơi “ngồi thiền”, nơi làm ăn và nơi cho những người có tiền, thích sang trọng, nghiền “giọt đắng”.

Vậy mà phố tôi lại có cái “quán cà phê cóc hạng ruồi”. Gọi là “hạng ruồi” vì không thể nhỏ hơn, phố này có thể gọi là phố mới, mới vì không có danh sách trong “Sài Gòn 300 năm”. Đường Lê Thị Hồng (phường 17, quận Gò Vấp) chỉ mới ra đời vài chục năm nay, tên đường ít người biết. Chúng tôi là những cư dân “tứ phương tám hướng” về đây rồi tạo nên phố, nên phường. Những người lính còn mang trên mình vết thương chiến tranh, những thanh niên xung phong phong trần khói lửa, những công nhân, viên chức, bác sĩ và người lao động bình dân. Họ nói với nhau đủ thứ “ngôn ngữ và âm điệu”… nhưng đều hiểu nhau.

Ấm trà là trung tâm của “quán cóc” phố tôi. Đoạn phố này chứa trọn tổ dân phố 86. Một cái bàn cũ rích, mấy cái ghế nhựa đủ màu. Ông chủ nhà thân thiện, chịu khó dậy sớm cắm ấm nước sôi và rửa tách, ấm. Còn trà thì “mênh mông”, mỗi lần ai ra Bắc hay đi đâu đó về lại có trà mang tới, thôi thì đủ loại từ Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Lâm Đồng… Trà không ngon không có chỗ ở đây, chỉ có trà “thượng hạng” đúng nghĩa.

Sáu giờ sáng, anh Bảy chủ quán mở cửa ngồi rung đùi với đầy đủ “dụng cụ” uống trà chờ mọi người. Tuy nhỏ vậy nhưng quán anh cũng không thiếu thứ gì, từ cà phê, trà đá, bia và cả rượu đế… Chẳng biết siêu thị to lớn ở đâu, chứ ở đây cần gì có nấy. Có lần nghe nói anh Bảy sắp chuyển nhà đi nơi khác, sợ không còn nơi tụ họp, thế là từ bí thư chi bộ đến tổ trưởng dân phố và mọi người xúm lại tìm chỗ sửa sang vỉa hè, mua ấm chén, bàn ghế đá… thay thế. Nhưng rồi ông Bảy lại không đi, quán cóc phố tôi lại vui vẻ như xưa.    

Quán cóc trở thành cái nơi sinh hoạt tổ dân phố, với vài tờ báo, với mạng wifi, với thông tin sốt dẻo từ đêm qua, chiều qua trong khu phố, trong phường, quận…, ra đây là nắm được hết. Bên cạnh quán cóc là chiếc bảng thông tin mà ông Hải - Tổ trưởng dân phố găm lên đó các loại giấy tờ khác nhau, như quy chế hoạt động của tổ dân phố và khu phố, những thông tư, quy định của cấp trên về thuế má, vệ sinh môi trường… đủ hết. Ngồi với nhau là chuyện trên trời dưới bể, chuyện thế giới Đông Tây… đủ cả. Quán cóc phố tôi ngày càng đông do nhiều người ở phường khác, quận khác đi qua thấy vui ghé tham gia rồi trở thành bạn hữu. Có người đâm nghiền quán, nghiền trà, quý cái tình người ở đây nên ngày nào cũng tới. Chơi với nhau chút buổi sáng bên ấm trà, bên ly cà phê rồi thân thiết nhau. Giỗ chạp, hiếu hỷ không thiếu nhau được. Sau khi các ông giải tán, người nào việc đó, thì quán cóc lại dành cho các bà, các chị trong tổ dân phố, có khi là nơi họp và sinh hoạt phụ nữ vào buổi tối. Quán cóc phố tôi không lúc nào vắng người.

Cuộc đời là thế, các cụ xưa có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Láng giềng gần thì quả là cần, lúc vắng nhà, “lúc tắt lửa tối đèn”… chỉ có láng giềng sẵn sàng trợ giúp. Văn hóa cộng đồng dân cư của người Việt là vậy, một nền văn hóa mở và thân thiện. Người Việt sống “mở” quen rồi, tình làng nghĩa xóm là cách sống lâu đời. Tình nghĩa ấy như không khí để thở, như nước để uống… Văn hóa cộng đồng dân cư của những người phố nhỏ, hẻm nhỏ trở nên thân thiết như anh em, họ hàng. Mỗi khi đi xa khỏi cái “quán cóc phố tôi”, xa những người bên ấm trà nóng này, lại thấy nhớ.

Tin cùng chuyên mục