* Taliban tuyên bố ngừng đàm phán
Sau cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, người phát ngôn Tổng thống Afghanistan cho biết, Afghanistan muốn NATO nhanh chóng rút quân, chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho nước này vào năm 2013, thay vì năm 2014. Quan hệ Mỹ - Afghanistan đến ngưỡng khủng hoảng mới.
Afghanistan hết kiên nhẫn
Cuộc gặp diễn ra sau rất nhiều nỗ lực của Tổng thống Mỹ Obama nhằm xoa dịu Chính phủ và người dân nhưng không tác dụng. Dù chính Tổng thống Karzai từng thừa nhận cần sự hỗ trợ quốc tế để chuyển giao lực lượng ở các vùng nông thôn nhưng sau khi xảy ra vụ thảm sát cũng như dưới áp lực của người dân, ông Hamid Karzai ngày 16-3 yêu cầu lính Mỹ ở yên trong căn cứ, không hiện diện ở các ngôi làng, nơi tập trung dân thường. Tổng thống Karzai chỉ trích tội ác của lính Mỹ và tuyên bố không còn tin tưởng vào lực lượng quốc tế.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn phủ nhận thông tin trên, khẳng định với báo giới rằng không có gì thay đổi và cuộc gặp diễn ra theo chiều hướng tích cực. Trong khi đó, theo AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thomas De Maiziere (có mặt ở Afghanistan từ ngày 14-3) cho rằng ông không tin tuyên bố của Tổng thống Hamid Karzai vì điều này khác biệt so với kế hoạch đã được định trước. Kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan của NATO bao gồm việc chuyển giao dần chính quyền cho lực lượng an ninh của nước này và tiến hành đàm phán chính trị với Taliban cùng Chính phủ Afghanistan.
Người Mỹ lo sợ
Ngày 13-3, phe nổi dậy Taliban tuyên bố sẽ “cắt đầu lính Mỹ”, trả thù cho người dân vô tội bị thiệt mạng trong vụ xả súng. Giới chức Mỹ cũng đồng loạt lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công bạo lực và khủng bố từ các nhóm cực đoan trong nước.
Trong báo cáo mới nhất, Cục điều tra liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa (DHS) bày tỏ lo ngại vụ sát hại dân thường Afghanistan là ngòi pháo kích động các phần tử cực đoan, nhất là các nhóm khủng bố được hình thành và đang tồn tại ngay trên lãnh thổ Mỹ. Đây là những đối tượng mà FBI và DHS cho rằng xưa nay thường chọn các cơ sở quân sự trên lãnh thổ Mỹ là mục tiêu để tiến hành các hành động trả thù.
Bản thông báo không nói rõ các mối đe dọa cụ thể nhưng thừa nhận vụ thảm sát tại Afghanistan có thể bị các phần tử và các nhóm cực đoan trong nước coi là hành vi chống lại người Hồi giáo.
Người dân Afghanistan phẫn nộ
Đến nay, hàng ngàn người Afghanistan vẫn biểu tình đòi chính quyền nước này trực tiếp xét xử binh sĩ Mỹ xả súng sát hại người dân Afghanistan. Quan chức Mỹ ngày 16-3 đã công bố báo cáo chỉ ra: một lính Mỹ (38 tuổi, có vợ và hai con) giết 16 dân thường Afghanistan trong tình trạng say rượu và căng thẳng thần kinh do áp lực công việc (tận mắt chứng kiến đồng đội bị bắn một ngày trước đó) cũng như mâu thuẫn với vợ vài ngày trước. Luật sư riêng cho biết, binh sĩ này miễn cưỡng nhận nhiệm vụ tại chiến trường Afghanistan lần thứ 4, sau khi từng bị thương hai lần (một lần ở đầu). Binh sĩ đã được chuyển đến Kuwait.
Phát biểu trước báo chí, Tổng thống Karzai cho biết, Chính phủ Afghanistan không nhận được sự hợp tác từ Washington về việc trao cho Kabul những cá nhân có liên quan và cho rằng cách hành xử này là không thể chấp nhận.
| |
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)