Quan họ giữa lòng Sài Gòn

Quan họ giữa lòng Sài Gòn

Quan họ hiện diện trong từng bước đi, bữa ăn, nhịp thở… của người Kinh Bắc. Nó ăn sâu tận máu thịt nên dẫu có đi xa đến mấy thì người Kinh Bắc vẫn không thể nguôi quên những làn điệu quan họ. Thế nên, chẳng có gì lạ khi giữa Sài Gòn lại vang lên câu quan họ mượt mà, nền nã, thêm một chút khắc khoải tâm trạng của kẻ xa quê…

Xa Kinh Bắc, sống giữa Sài Gòn hoa lệ, ban đầu, các liền anh, liền chị chỉ biết ngâm nga quan họ một mình. Thế rồi, trong những cuộc họp đồng hương, khi những người con Kinh Bắc gặp nhau, các làn điệu quan họ bỗng bùng lên một cách thỏa thích, như cho bõ những ngày không được hát. Từ những cuộc gặp mặt thỉnh thoảng ấy đã khiến họ nảy ra một suy nghĩ: Tại sao không lập nhóm để cùng nhau hát quan họ giữa đất Sài Gòn này?

Quan họ giữa lòng Sài Gòn ảnh 1

Một tiết mục quan họ.

Trong ngôi nhà nhỏ của chị Thanh Hiền (Phó Chủ nhiệm CLB Trúc Xinh) nằm ở khu phố 7, phường 12, quận Tân Bình, ngày ngày chị vẫn ngân nga quan họ một mình. Tiếng ngân ấy “lọt tai” hàng xóm trong khu phố, ngày qua ngày, hàng xóm mê lúc nào không hay. Thế là, ban quản lý khu phố dành hẳn một phòng để đêm đêm chị dạy quan họ cho bà con. Lần nào cũng vậy, người đến học, người đến xem chật cả căn phòng.

Có lần, một cụ bà người Bắc Ninh nói với gia đình rằng bà muốn được nghe một câu quan họ trước khi nhắm mắt, và chị Hiền được mời đến. “Người Kinh Bắc thế đấy, sống cùng quan họ và cũng muốn được quan họ đưa tiễn khi mình ra đi”, chị Hiền tâm sự.

Chính những điều đó càng hun đúc cho chị Hiền cùng các bạn thành lập CLB quan họ. Thế là CLB Trúc Xinh ra đời. Tại Sài Gòn, hiện có đến vài CLB quan họ như thế, nào Mười Nhớ, nào Trúc Xinh… nhưng chỉ có CLB Trúc Xinh là hoạt động chuyên nghiệp với các liền anh, liền chị thứ thiệt: chị Thanh Hiền vốn công tác ở đoàn Văn công Lạng Sơn; anh Ngọc Quang (chủ nhiệm CLB) - công tác ở đoàn Văn công Thuận Hải; chị Lệ Thúy – giảng viên Trường Văn hóa - Nghệ thuật Hà Bắc… Hiện CLB sinh hoạt tại Cung Văn hóa Lao động TP, ngoài nhận “sô” biểu diễn, Trúc Xinh còn mở lớp đào tạo cho những người yêu thích quan họ.

Sự tồn tại của quan họ giữa đất Sài Thành chủ yếu nhằm gìn giữ một đặc sản quý giá của xứ Kinh Bắc và vì gìn giữ nên không ai chấp nhận sự cẩu thả. Hát quan họ phải vận áo the, quần nái đen, đầu phải vấn khăn mỏ quạ, mũi dép phải cong lên. Chiếc áo quan họ dẫu màu đỏ hay hồng thì bên ngoài bao giờ cũng phải có một lớp the đen. “Đến miếng trầu cánh phượng được minh họa trong bài Mời nước mời trầu cũng phải được têm bởi bàn tay của người Kinh Bắc”, chị Thanh Hiền khẳng định.

Giờ đây, quan họ đã bắt đầu xuất hiện không chỉ ở đám cưới, liên hoan mà còn trong các hội nghị của các bộ, ngành và trên cả sân khấu, đài truyền hình… của TPHCM. Các học viên của lớp học quan họ ngày càng có nhiều người gốc miền Nam, có người chưa một lần đến thăm xứ Bắc. Có lẽ họ đến với quan họ không chỉ là đến với một làn điệu dân ca mà còn là đến với nét văn hóa của vùng Kinh Bắc huyền thoại.

Vậy nên, đừng hỏi vì sao người Sài Gòn yêu quan họ đến vậy, vì sao câu ca Người ơi người ở đừng về làm ấm lòng người Sài Gòn đến vậy! 

PHẠM SIN

Tin cùng chuyên mục