
Bài học đắt giá về việc kênh, rạch bị lấn chiếm, gây ngập úng và ô nhiễm môi trường trong nội thành chưa được giải quyết xong thì căn bệnh này đang lan dần ra ngoại thành…
Tự nhiên xây nhà trên... kênh, rạch

Đứng trên cây cầu ở phường Tân Quy, quận 7, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những ngôi nhà sàn doi ra dọc theo con rạch này. “Ban đầu chỉ một vài người xuống rạch đăng lưới thả cá. Thấy không ai đá động gì nên họ bắt đầu đóng trụ, rồi xây nhà kiên cố luôn. Một người làm được, nhiều người khác thấy vậy bắt chước làm theo. Thế là 5 năm qua nhiều căn nhà đã mọc ngay trên lòng rạch” – một người dân trong khu vực cho hay.
Tại quận Thủ Đức và quận 9, tình trạng lấn chiếm kênh rạch cũng xảy ra “khẩn trương” không kém. Đi ngang qua các phường Linh Đông, Linh Tây, Bình Chiểu quận Thủ Đức mới thấy được những con rạch vốn nguyên thủy rộng lên đến hàng chục mét giờ chỉ còn là con mương dẫn nước thải đen ngòm, hôi hám. thậm chí có nơi giờ chỉ còn là làn nước mỏng quanh co, len lỏi trong khu dân cư.
Tại các phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, người dân bắt đầu “đổ bộ” xuống các kênh rạch để đặt đáy nuôi cá - giai đoạn đầu của sự lấn chiếm. Cũng có chủ hộ làm động tác “dựng nhà sàn tạm bợ” để buôn bán đồ ăn thức uống cho người dân trong khu vực. Sau một thời gian thấy không ai nhắc nhở thì họ lại kéo bê tông về xây thành nhà kiên cố luôn trên rạch. Đây là những chiêu thức mà các cư dân sống ven các con kênh thường áp dụng trong việc lấn chiếm kênh rạch ở ngoại thành.
Chị Thu Thương, khu phố 3, phường Tân Thuận Đông, quận 7 dẫn tôi ra phía con rạch sau nhà cho biết: Khoảng thời gian 6, 7 năm trước, tôi mới về đây ở, sau nhà có con rạch bề rộng gần 20m. Nhưng đến hôm nay thì con rạch ấy chẳng còn nữa, thay vào đó là nhà cửa.
Nhiều cư dân sống ven rạch Bàng tại phường Tân Phong, quận 7 cũng đang “đổ” xuống lòng rạch xây nhà, xây xưởng… Không ít ngôi nhà đổ bê tông kiên cố doi ra con rạch Bàng gần chục mét. Ông Hai Thân, một cư dân sống trong phường lo lắng: “Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì chẳng bao lâu rạch Bàng sẽ chẳng còn là rạch nữa. Mà không chỉ có Rạch Bàng, các con rạch cũng sẽ trở thành “con mương nhỏ” trước sự thiếu quan tâm của ngành chức năng”.
Hậu quả để lại
Hầu hết các con rạch bị lấn chiếm đều đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thoát nước cho các khu dân cư mới ở các quận vùng ven hoặc cung cấp nước tưới cho các vùng đất nông nghiệp ở ngoại thành. Mới đây, Đội Quản lý đô thị quận Gò Vấp đã cưỡng chế tháo dỡ nhiều căn nhà xây dựng lấn rạch tại phường 5. Điều đáng nói là những hộ dân lấn rạch bị cưỡng chế tháo dỡ là những người dân từ nơi khác đến lấn rạch xây nhà rồi để cho người khác thuê mướn. Những khu nhà ổ chuột này trông rất nhếch nhác và hậu quả để lại là môi trường phát sinh nhiều gián, muỗi.
Tại quận 12, nhiều hộ cũng thi nhau lấn chiếm rạch Mốp, bít đường thoát nước làm cho khu vực này thường bị ngập nước mỗi khi mưa xuống.
Một thực trạng khác là trong một vài năm gần đây, rất nhiều các trường hợp vỡ đê bao xảy ra tại các con rạch như Cầu Làng, rạch Cầu Đúc, Rạch Lùng… của quận Thủ Đức, mà nguyên nhân sâu xa là do việc lấn chiếm kênh rạch, làm hẹp dòng chảy, nước xiết khoét sâu vào bờ làm cho những đê bao hai bờ rạch không không chịu đựng được, gây vỡ đê nhiều nơi và nhiều lần trong năm.
Hơn nữa việc ngăn cản dòng chảy, đăng lưới khoanh vùng nuôi cá trên những con rạch tự nhiên tại các quận ven và huyện ngoại thành hiện cũng là nguy cơ cho dịch muỗi bùng phát.
Anh H.L.V, phường Tân Thuận Đông, quận 7, bức xúc: Lâu lâu cũng thấy cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận xuống phạt. Thế nhưng, phạt xong lại… cho tồn tại (dù không cấp giấy chủ quyền nhà). Như vậy chẳng phải là vẫn thừa nhận sự xây cất trái phép này sao?”.
QUANG ĐẠT