Quản lý chất thải nguy hại là một vấn đề bức xúc trong công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện nay. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ, lượng chất thải cũng liên tục gia tăng, tạo sức ép rất lớn đối với công tác bảo vệ môi trường.
Vi phạm gia tăng...
Tại hội thảo “Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại” do Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường của Bộ Công an tổ chức ngày 1-8, tiến sĩ Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, tổng số lượng chất thải rắn phát sinh trên toàn quốc trong năm 2010 ước khoảng 32 triệu tấn. Trong đó chất thải rắn y tế khoảng 200.000 tấn, chất thải rắn làng nghề, nông thôn khoảng 11 triệu tấn, chất thải rắn đô thị khoảng 13 triệu tấn, chất thải rắn công nghiệp 6 triệu tấn. Chất thải nguy hại phát sinh chủ yếu từ các nguồn sản xuất công nghiệp, làng nghề, dịch vụ khoa học và y tế.
Trong khi đó các hoạt động quản lý chất thải nguy hại có năng lực theo quy định mới chỉ đáp ứng được khoảng 60%, số còn lại bị chôn lấp, đổ thải hoặc tái sử dụng một cách trái phép diễn ra phổ biến, các hoạt động thanh kiểm tra và xử lý vi phạm chỉ khoảng 10% so với tình hình thực tế.
Thượng tá Trần Quốc Tỏ, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, thông qua kết quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại năm 2010 đã có 322 vụ việc vi phạm với tổng mức phạt lên tới gần 10 tỷ đồng. Trong đó, 29% vi phạm về phát thải; 33% vi phạm về thu gom, vận chuyển; 25% vi phạm về xử lý tiêu hủy, chôn lấp và đổ thải; 13% vi phạm về tái chế sử dụng.
Điển hình như Công ty TNHH Sông Xanh (Vũng Tàu) chôn lấp trái phép 4.643m³ chất thải nguy hại; Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (TPHCM) đổ thải trái phép 836 tấn bùn thải lấy từ nhà máy xử lý nước thải trong KCN Lê Minh Xuân; Công ty TNHH Phú Gia (Hòa Bình) hoạt động tái chế 59.000 lít dầu thải không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại; tàu Đức Minh 18 (Ninh Bình) vận chuyển trái phép gần 600 tấn bụi lò luyện kim ra cảng Vạn Gia - Quảng Ninh để xuất sang Trung Quốc…
Khó trăm bề
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM nhìn nhận, TPHCM có số lượng cơ sở công nghiệp lớn nhất Việt Nam (từ 10.000 đến 12.000). Theo thống kê của các chương trình khảo sát hàng năm, ước tính mỗi ngày TPHCM phát sinh khoảng 350 - 500 tấn chất thải nguy hại từ sản xuất công nghiệp và 9 - 12 tấn chất thải nguy hại y tế. Với tốc độ tăng trưởng chất thải hàng năm từ 10%-12%, dự báo đến năm 2015 khối lượng chất thải nguy hại công nghiệp dự báo khoảng 400.000 tấn/năm.
Hiện nay, TPHCM vẫn chấp thuận cho các nhà máy xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại tiếp tục hoạt động bên ngoài. Chính vì lý do này TPHCM gặp khó khăn trong việc quy hoạch mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, TPHCM cũng chưa có bãi chôn lấp an toàn chất thải nguy hại có quy mô hiện đại, áp dụng cho chủ nguồn thải, chỉ xử lý ở một số nhà máy đốt chất thải nguy hại của tư nhân quy mô nhỏ, công suất thấp. Không những thế, hệ thống thông tin chưa được liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Do đó gây khó khăn trong việc theo dõi và cập nhật thông tin về quá trình hoạt động của các cơ sở… dẫn đến việc quản lý kiểm soát chất thải nguy hại còn nhiều bất cập.
Lý giải về sự gia tăng các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như việc xử lý các cơ sở vi phạm, ông Trần Văn Khương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN-MT cho rằng, các văn bản ban hành về xử phạt các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều điểm chưa rõ ràng.
Chẳng hạn việc quy định tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải nguy hại phải đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuy nhiên không quy định rõ khối lượng, tổng thời gian hoạt động có phát sinh chất thải nguy hại là bao nhiêu thì phải đăng ký, dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh phát sinh chất thải nguy hại với số lượng ít, thời gian hoạt động ngắn vẫn phải thực hiện đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Hay việc chưa quy định cụ thể số lượng, chất lượng của các phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại phải đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường dẫn đến nhiều loại phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại hiện nay chưa đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…
Ông Hoàng Văn Vy, Phó Chánh thanh tra Tổng cục Môi trường Bộ TN-MT cho biết thêm, tại một số địa phương, công tác quản lý chất thải nguy hại còn yếu hoặc có dấu hiệu “lách luật” để cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, thẩm định, phê duyệt báo cáo không đúng thẩm quyền.
Để tăng cường công tác quản lý chất thải nguy hại đạt hiệu quả, việc sớm hoàn thiện các quy định về quản lý chất thải nguy hại theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng, đơn giản hóa các thủ tục. Tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động quản lý chất thải nguy hại, đồng thời mạnh tay xử lý các vi phạm… là những biện pháp cần phải thực hiện ngay - ông Hoằng Văn Vy đề xuất.
MINH HẢI
Xử phạt 2 đơn vị vi phạm về môi trường Ngoài số tiền phải đóng phạt 55 triệu đồng, UBND TP buộc công ty này phải đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định. Quyết định cũng nói rõ: trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, nếu công ty cố tình không chấp hành quyết định xử phạt sẽ bị cưỡng chế thi hành. V.ANH |