Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa tổ chức hội thảo về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất thải. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia môi trường cho biết, kinh nghiệm quản lý chất thải tại nhiều nước trên thế giới là phải ứng dụng công nghệ thông tin. Những mô hình điển hình nhất như sử dụng nhãn điện tử, mã vạch trên bao bì chứa đựng chất thải; gắn hệ thống định vị cho phương tiện vận chuyển…
Cách làm này vừa giúp xác định số lượng chất thải, nguồn thải, địa điểm chuyển giao và đặc biệt là thành phần chất thải. Việc quản lý thông qua công nghệ này giúp giảm sức người cũng như chi phí quản lý. Đặc biệt hơn, khối lượng chất thải không thể thất thoát ra môi trường. Thế nhưng, tại nước ta, việc ứng dụng những công nghệ trên đang gặp nhiều khó khăn.
Lý giải thực tế trên, ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết: trên địa bàn thành phố có gần 1.000 phương tiện vận chuyển chất thải. Nếu được đầu tư, trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ thông tin mất khoảng 30 tỷ đồng đến 40 tỷ đồng nhưng chưa biết tìm đâu ra kinh phí. Mặt khác, hiện chưa xác định đầy đủ chủ nguồn thải (doanh nghiệp). Do vậy, việc hoạt động quản lý chất thải trong thời gian qua còn nhiều lỏng lẻo do cơ quan quản lý thiếu cán bộ, yếu công cụ quản lý. Quản lý chủ yếu chạy theo sự vụ theo kiểu bắt quả tang những đơn vị lén đổ trộm chất thải ra ngoài thì phạt hoặc tịch thu phương tiện vẫn chuyển.
Ứng dụng thông tin trong quản lý chuyển giao, vận chuyển chất thải là rất cần thiết nhằm chấm dứt tình trạng chất thải bị đổ bừa bãi ra môi trường nhưng cho đến nay vẫn rất khó triển khai. Năm 2009, Sở Tài nguyên đã từng kiến nghị thành phố cho phép ứng dụng công nghệ GPS, GPRS để gắn thí điểm trước vào 150 vận chuyển chất thải hầm cầu. Kinh phí đầu tư thực hiện khoảng 8 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa làm được vì chưa có tiền.
Đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, hiện chưa có cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất thải. Hơn nữa, việc thống kê chủ nguồn thải gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp rất thiếu hợp tác trong lĩnh vực này. Và nếu tình trạng trên không sớm khắc phục thì người dân các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương vẫn phải đối mặt với nguy cơ sống chung với chất thải.
MINH XUÂN