Quản lý công trình công cộng thế nào?

TPHCM đang thiếu nhiều diện tích công trình công cộng, nhất là công viên cây xanh. Tuy nhiên, tại nhiều dự án nhà ở, công viên được xây dựng nhưng thiếu quản lý, bảo dưỡng nên hư hỏng, không thể phục vụ cộng đồng dân cư.

TPHCM đang thiếu nhiều diện tích công trình công cộng, nhất là công viên cây xanh. Tuy nhiên, tại nhiều dự án nhà ở, công viên được xây dựng nhưng thiếu quản lý, bảo dưỡng nên hư hỏng, không thể phục vụ cộng đồng dân cư.

Quản lý công trình công cộng thế nào? ảnh 1

Công viên tại Khu dân cư phụ trợ nhà ở thuộc dự án Khu công nghiệp Tân Bình mở rộng bị xuống cấp

 Chính quyền lơ là, công viên xuống cấp

Khu dân cư phụ trợ nhà ở thuộc dự án Khu công nghiệp Tân Bình mở rộng (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) sau khi đưa vào sử dụng, chủ đầu tư đã bàn giao một số công trình công cộng như trường học, công viên cây xanh cho địa phương quản lý. Thế nhưng, sau bàn giao chỉ một thời gian ngắn, công viên đã bị xuống cấp, cây xanh chết khô còn cỏ dại mọc um tùm; công viên phục vụ nhu cầu thể dục thể thao, thư giãn cho người dân trong khu vực thì ít mà chủ yếu trở thành nơi cho một số người tụ tập, buôn bán. Nguyên nhân của hiện tượng công viên xuống cấp là do từ khi nhận bàn giao từ chủ đầu tư, chính quyền địa phương đã “thả nổi” công tác quản lý hạ tầng cũng như hoạt động của công viên, dù người dân đã nhiều lần kiến nghị, thậm chí đề nghị đóng góp kinh phí thuê nhân viên các công ty dịch vụ công ích quét dọn, vệ sinh công viên.

Người dân cũng phản ánh tại một số dự án công viên cây xanh do chủ đầu tư quản lý thì có hiện tượng hạn chế quyền sử dụng của người dân như quy định giờ đóng mở cửa, không cho người bên ngoài dự án vào chơi…

Nhà nước quản lý chứ không “ôm”

Quận 9 là địa bàn phát triển mới với số lượng các dự án bất động sản liên tục gia tăng. Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho hay về nguyên tắc thì các công trình công cộng phải giao về cho địa phương quản lý, nhưng có nhiều dự án, chủ đầu tư đề nghị được quản lý, duy tu và được quận cho phép trong thời hạn nhất định. “Đây là công trình do chủ đầu tư thiết kế, xây dựng nên họ hiểu các đặc tính của công trình hơn địa phương, hoặc với các doanh nghiệp lớn, họ có các đơn vị thành viên chuyên về dịch vụ sân vườn, duy tu đường bộ… nên việc quản lý, bảo trì cũng chuyên nghiệp và thuận lợi hơn. Vả lại, tâm lý các doanh nghiệp lớn cũng muốn quản lý, phát triển các công trình công cộng trong dự án được đồng bộ, đẹp đẽ thì mới có thể tăng uy tín trong kinh doanh”, ông Tuấn Anh nói. Về phía quận 9, hiện đang trong quá trình phát triển và chỉnh trang đô thị nên ngân sách và nhân lực đang là hai vấn đề khó khăn. Vì vậy, nếu doanh nghiệp có thể san sẻ cùng địa phương trong vấn đề quản lý, bảo trì các công trình cộng cộng thì cả hai bên cùng có lợi.

Còn theo ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch UBND quận 7, đa phần các dự án khép kín hiện nay đều do chủ đầu tư quản lý, duy tu các công trình công cộng, chỉ một số ít công viên mở do địa phương quản lý. Điều cốt yếu là cần quy định rõ ràng trách nhiệm, công việc của mỗi đơn vị. Nếu đã bàn giao cho địa phương quản lý thì không được “thả nổi”. Các công ty công ích quận - huyện đã bắt đầu cổ phần hóa, các dự án chăm sóc cây xanh đều phải đấu thầu và nếu làm không tốt thì có thể mất hợp đồng, cho nên chắc chắn các đơn vị sẽ phải cố gắng làm tốt phần việc của mình. Còn nếu chủ đầu tư quản lý, duy tu mà làm không tốt thì cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương phải kiên quyết xử phạt. Giao cho chủ đầu tư chỉ là giao công tác vận hành, còn chính quyền vẫn phải quản lý, kiểm tra về trật tự đô thị, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường…  Một điều nữa, vì là công trình công cộng nên chính cộng đồng dân cư cũng phải tham gia giám sát, bảo vệ, gìn giữ các công trình công cộng.

Theo TS-KTS Võ Kim Cương, công trình công cộng là nói đến tính chất mở của dự án, nghĩa là phải phục vụ cho dân cư nói chung, chứ không giới hạn cư dân trong dự án hay bên ngoài, và đã là công trình công cộng thì địa phương quản lý là tốt nhất, để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, Nhà nước quản lý hoạt động chứ không nên “ôm”, có thể để cho chủ đầu tư quản lý nhưng phải quy định rõ ràng về quyền lợi, quyền hạn của chủ đầu tư và mức đóng góp của cộng đồng.

KHÁNH LÊ

Tin cùng chuyên mục