
* Sẽ quản lý mạng truyền hình cáp như mạng viễn thông
Thời gian qua, báo chí và dư luận nói nhiều đến sự phát triển dịch vụ truyền hình cáp (THC) khá lộn xộn và chất lượng không đảm bảo. Xung quanh những bất cập này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Vũ Hải (ảnh) – Cục trưởng Cục Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (thuộc Bộ TT-TT).
- Phóng viên: Theo ông, vì sao thời điểm này, vấn đề truyền hình cáp lại trở nên “phức tạp” như vậy?

- Ông LƯU VŨ HẢI: Đây là vấn đề mà có khá nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố “lịch sử phát triển” chi phối rất lớn. THC được phát triển với những đặc thù của hoạt động kinh tế báo chí và được điều chỉnh theo Luật Báo chí. Điều đó dẫn đến việc chúng ta không quản lý được một cách đầy đủ đối với dịch vụ này theo nghĩa là một ngành dịch vụ kinh tế.
Tất cả các đài truyền hình trên cả nước đều có điều kiện để xin cấp phép triển khai dịch vụ này, trên địa bàn của mình. Tuy nhiên trong thực tế, để triển khai dịch vụ THC thì không phải đài truyền hình nào cũng tự mình đủ lực để làm. Vì vậy, nhiều đài truyền hình buộc phải liên kết với những đối tác có tiềm lực về kinh tế và kỹ thuật để cung cấp dịch vụ này. Điều này dẫn đến mạng THC Việt Nam hiện nay bị phân tán, manh mún bởi nhiều đầu mối khác nhau; mặt khác THC Việt Nam hầu hết vẫn sử dụng công nghệ cũ analog nên chất lượng không được tốt. Nội dung cung cấp, kể cả việc biên tập hay phát lại các chương trình truyền hình nước ngoài cũng vẫn còn đơn điệu, thiếu sáng tạo. Điều này dẫn đến chất lượng dịch vụ THC thời gian qua không đáp ứng được mong muốn của người dân...
- Như vậy việc quản lý THC ở Việt Nam hiện đang có vấn đề?
- Đúng vậy, và các cơ quan quản lý chức năng nhà nước cũng biết rõ điều đó. Nhưng từ những thực tế nói trên, việc rà soát, củng cố lại hoạt động của dịch vụ THC cần phải có thời gian. Trước đây, Bộ VH-TT quản lý về mặt nội dung, Bộ BC-VT thì quản lý về mặt kỹ thuật của dịch vụ THC. Nên một thời gian dài, sự quản lý này đã không được phối hợp chặt chẽ, thống nhất, tạo ra những vấn đề “lịch sử” mà bây giờ chúng ta từng bước sẽ xử lý, nhằm đảm bảo tốt hơn về chất lượng của THC từ nội dung đến chất lượng kỹ thuật về truyền dẫn, phát sóng...
Với chức năng của mình, Bộ TT-TT đang đề xuất và xây dựng thông tư quy định về quản lý việc truyền dẫn dịch vụ THC, Chính phủ cũng đã chỉ đạo xây dựng quyết định về việc quản lý truyền hình trả tiền, thay cho Quyết định 79 năm 2002. Quyết định này sẽ phù hợp hơn với tình hình thực tại và cơ bản giải quyết được những vướng mắc, khó khăn hiện nay đối với việc quản lý hoạt động THC; đảm bảo quản lý đồng bộ về cả nội dung và kỹ thuật đối với THC. Thông tư của Bộ TT-TT sẽ sớm được ban hành, và trong năm nay quyết định này cũng sẽ được Thủ tướng ban hành.
- Trong thực tế có doanh nghiệp nào không phải là cơ quan báo chí nhưng vẫn có giấy phép và triển khai dịch vụ THC?
- Chuyện đó có. Ví dụ như SCTV ở TPHCM. Tuy nhiên đây là sự liên kết giữa VTV và Saigontourist. Tức là VTV có giấy phép, liên doanh với Saigontourist thành lập ra SCTV để hoạt động. Như tôi đã nói, đây là hình thức huy động nguồn lực về kinh tế và kỹ thuật để triển khai dịch vụ THC. Ở đây, SCTV không được hoạt động như một cơ quan báo mà chỉ triển khai mạng lưới và cung cấp dịch vụ; còn toàn bộ nội dung là do VTV chịu trách nhiệm. Một số địa phương khác cũng có chuyện này. Đó là vấn đề mang tính “lịch sử” của việc phát triển THC ở Việt Nam. Chúng ta phải chấp nhận vì hiện nay không có điều luật nào cấm chuyện đó cả...
- Một vấn đề đặt ra, khi chất lượng truyền hình cáp không đảm bảo, thì trong trường hợp này, ai là người chịu trách nhiệm. Ví dụ như giữa SCTV và VTV chẳng hạn?
- Cả 2 cơ quan này đều phải chịu trách nhiệm. SCTV và VTV phải có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của khách hàng trong trường hợp đó. Mà trước hết là VTV, cơ quan có giấy phép cung cấp dịch vụ này vì thực chất SCTV và VTV là một. Trong trường hợp cụ thể, cũng phải tùy theo từng hợp đồng kinh tế giữa các bên để xem xét trách nhiệm của mỗi bên.
- Sở TT-TT TPHCM đang đề nghị Bộ TT-TT xem xét việc quản lý dịch vụ THC, nhất là việc thiết lập mạng giống như việc quản lý mạng viễn thông? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Mong muốn của Sở TT-TT TPHCM là đúng. Điều đó chúng tôi cũng đã nhìn thấy từ lâu. Chính vì vậy, trong quy hoạch truyền dẫn phát sóng truyền hình, phát thanh đến 2020 mà bộ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, thì bộ đã điều chỉnh việc quản lý truyền dẫn phát sóng theo Pháp lệnh BC-VT. Tuy nhiên, đó mới chỉ là quy hoạch, thời gian tới sẽ ban hành thông tư của bộ và quyết định của Thủ tướng, còn hiện nay, Quyết định 79 năm 2002 của Thủ tướng vẫn còn nguyên giá trị, tức là việc quản lý dịch vụ THC theo Luật Báo chí, chứ chưa thể áp dụng theo Pháp lệnh BC-VT được.
Theo ông Lưu Vũ Hải, hiện cả nước có 44 đài truyền hình có giấy phép cung cấp dịch vụ này; trong đó VTV có 2 đơn vị là SCTV ở TPHCM và VCTV ở Hà Nội. Dịch vụ THC đã được triển khai ở 60 tỉnh thành trên cả nước. Đối với doanh nghiệp triển khai dịch vụ, hiện Bộ TT-TT đang yêu cầu các đài truyền hình có giấy phép và các địa phương báo cáo con số cụ thể. Về thuê bao THC, hiện cả nước có khoảng 1,4 triệu; trong đó TPHCM khoảng 900.000, Hà Nội hơn 200.000, số còn lại thuộc các địa phương khác. |
TRẦN LƯU (thực hiện)