Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật: Chưa hết rối

Địa phương kêu khó
Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật: Chưa hết rối

Nghị định số 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu… đã từng được kỳ vọng là “bàn tay pháp lý” nhằm chấn chỉnh những “điểm đen” trong làng giải trí. Tuy nhiên, chỉ qua một năm, nghị định này đã bộc lộ nhiều kẽ hở và hoạt động quản lý nghệ thuật vẫn chưa hết rối ren.

Mang âm nhạc đến bệnh viện - Chương trình ca nhạc thiện nguyện đầy ý nghĩa.

Mang âm nhạc đến bệnh viện - Chương trình ca nhạc thiện nguyện đầy ý nghĩa.

Địa phương kêu khó

Ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), cho biết: Sau một năm triển khai thực hiện NĐ79, nhiều vụ việc vi phạm đã bị xử lý nghiêm khắc như: tạm dừng cho phép Lê Thị Huyền Anh biểu diễn nghệ thuật trên toàn quốc; tạm dừng cấp phép biểu diễn nghệ thuật trên toàn quốc đối với Phương Trinh; xử phạt và yêu cầu ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nghiêm khắc rút kinh nghiệm và điều chỉnh hành vi cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức...

Tuy nhiên, quá trình một năm triển khai thực hiện NĐ79 và Thông tư 03 cũng đã khiến nhiều địa phương tỏ ra lúng túng. Đại diện của Sở VH-TT-DL Phú Thọ cho biết: “Quy định đơn vị cấp phép phải có hội đồng thẩm định chương trình là rất khó khả thi. Làm sao mà cả một chương trình biểu diễn lớn như vậy với bao nhiêu nghệ sĩ lại tổ chức diễn cho hội đồng xem được. Thôi thì chúng tôi đành trông chờ vào khâu hậu kiểm của thanh tra”. Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, ông Trần Quốc Chiêm, cho biết, hiện nhiều đơn vị, công ty tổ chức sự kiện xin cấp phép ở địa phương khác, nhưng lại tổ chức biểu diễn chương trình ở Hà Nội khiến việc kiểm tra, giám sát rất khó khăn, đặc biệt là khi xảy ra những vấn đề liên quan đến biểu diễn, trang phục, hóa trang của nghệ sĩ. Đó là chưa kể, nhiều địa phương cấp phép cho các đơn vị nhưng không có đủ khả năng, điều kiện để tổ chức duyệt chương trình. Bởi lúc này không có căn cứ, cơ sở để xem xét xử lý các tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cấp phép. Mặt khác, chưa có quy định rõ ràng về việc tổ chức, cá nhân nước ngoài đã vào Việt Nam hoặc đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam khi tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang như thế nào.

Chính lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT-DL) cũng nhìn ra cái khó của NĐ79: quy định trước khi chương trình được công diễn phải được hội đồng nghệ thuật duyệt, nhưng hiện chưa có quy chế hoạt động của hội đồng nghệ thuật, vì vậy, hoạt động này chưa đem lại hiệu quả cao. Thanh tra Bộ VH-TT-DL cũng thừa nhận do một số địa phương không thể tổ chức các trường hợp xin giấy phép biểu diễn theo “mớ” với hàng trăm bài hát do hàng trăm nghệ sĩ thể hiện rồi “xé lẻ” đưa đi biểu diễn ở nhiều địa phương khác nhau. Không thể có chuyện một số đơn vị cứ “vô tư” cấp phép cho các nhà tổ chức biểu diễn mà không hề có trách nhiệm với quyết định của mình, việc thẩm định lại… nhờ địa phương khác và trông chờ vào hậu kiểm. Trong khi đó, lực lượng thanh tra quá mỏng.

Con voi vẫn chui lọt lỗ kim?

Đối với những địa điểm có hoạt động biểu diễn nghệ thuật nhưng không bán vé, thu tiền như quán giải khát, nhà hàng ăn uống, quán bar thì việc quản lý cũng rất phức tạp bởi theo quy định thì không phải cấp phép và thẩm định nội dung chương trình. Thực tế, vì chạy theo lợi nhuận, các chủ địa điểm thường vi phạm các quy định về hoạt động biểu diễn. Ví dụ như họ cố tình “câu khách” bằng việc tung ra những hình ảnh quảng cáo đầy tính dung tục của “bà Tưng”, hay tổ chức cho Angela Phương Trinh tới biểu diễn những màn khoe thân phản cảm, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận…

Thêm nữa, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang chưa đủ sức răn đe. Đơn cử, mức phạt 5 triệu đồng cho hành động phản cảm “hôn môi” sư thầy của Đàm Vĩnh Hưng không thấm vào đâu so với cát sê của ca sĩ này. Hay gần đây nhất như vụ tung bộ ảnh nuy với ngựa đầy phản cảm của người mẫu Cao Thùy Linh khiến dư luận vô cùng bất bình nhưng đơn vị quản lý nghệ thuật lại không tìm ra cách xử lý nào. Đơn giản cô là người mẫu nhưng hành vi chụp ảnh phản cảm lại không phải là hoạt động biểu diễn nên quyền xử lý lại thuộc về cơ quan khác. Bởi vậy, một số đơn vị tổ chức, cá nhân vẫn cố tình vi phạm, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; một số cá nhân cố tình không chấp hành quy định của pháp luật về việc thực hiện thủ tục pháp lý khi tham dự các cuộc thi người đẹp, người mẫu quốc tế… Việc quản lý nhà nước về lĩnh vực NTBD vẫn là xử phạt chạy theo “sự đã rồi”, chứ chưa nâng cao ý thức của người làm nghề.

Vụ việc hi hữu vừa qua - Cục Nghệ thuật biểu diễn thua kiện Ban tổ chức cuộc thi “Nữ hoàng biển Việt Nam 2013” cũng chính là lỗ hổng lớn nhất vì NĐ79 và Thông tư 03 đều không có điều khoản nào quy định Cục Nghệ thuật biểu diễn có chức năng quyền hạn, thẩm quyền thu hồi quyết định cho phép tổ chức cuộc thi người đẹp cấp vùng. Để “vá” những lỗ hổng nêu trên, lãnh đạo Vụ Pháp chế cho biết, đã và đang tích cực đề xuất việc bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VH-TT-DL và quảng cáo; về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để tăng sức mạnh cho Nghị định 79. Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn cho hay, bộ sẽ báo cáo Chính phủ, đưa 2 văn bản này vào chương trình xây dựng Luật NTBD nhằm nâng cao hiệu lực thi hành văn bản quy phạm pháp luật và tương đồng với các văn bản luật điều chỉnh các ngành, lĩnh vực khác.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục