Quản lý lực lượng thu gom rác dân lập - Làm cách nào?

Thiếu kinh phí, hợp tác xã hoạt động vật vờ
Quản lý lực lượng thu gom rác dân lập - Làm cách nào?

Từ hiệu quả đáng buồn của chương trình phân loại rác tại nguồn của TPHCM, một nguyên nhân đã được chỉ rõ, đó là do hoạt động tự phát của lực lượng thu gom rác dân lập. Lực lượng này đang hoạt động tự do với các phương tiện thu gom thô sơ. Do vậy, bất chấp người dân thực hiện phân loại, lực lượng này cũng không thu theo hình thức phân loại. Cải tiến được hoạt động của lực lượng này cũng đồng nghĩa với việc nâng cao hiệu quả của chương trình phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên làm cách nào?

Thu gom rác dân lập tại quận 11 TPHCM. Ảnh: Kim Ngân

Thu gom rác dân lập tại quận 11 TPHCM. Ảnh: Kim Ngân

Thiếu kinh phí, hợp tác xã hoạt động vật vờ

Ông Lê Trung Tuấn Anh, Phó phòng quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, phần lớn những người thu gom rác dân lập đều là dân nghèo và trình độ học vấn thấp. Họ tự tồn tại từ mấy chục năm qua mà không thuộc bất kỳ tổ chức quản lý nào. Cũng vì thế mà phương tiện thu gom của họ thô sơ, lạc hậu với chủ yếu là xe ba gác hoặc xe ba bánh tự chế. Quan trọng hơn, họ không được phổ biến chủ trương, chính sách kịp thời nên có nhiều chương trình của thành phố không thể triển khai được.

Đơn cử như chương trình phân loại rác tại nguồn, đại diện quận 6 – một trong 6 quận áp dụng triển khai thí điểm cho biết, kết quả thu được từ chương trình này chỉ đạt 25%. Nguyên nhân là sau một thời gian thực hiện phân loại, các hộ gia đình thấy lực lượng thu gom không thu gom theo phân loại nên không thực hiện nữa. Không ít người dân còn cho rằng chính quyền địa phương đang làm lãng phí công sức của họ khi chỉ vận động người dân phân loại rác còn mình thì không thu theo loại được phân.

Trong khi đó, thực tế không hoàn toàn như vậy. Dù chính quyền có muốn thu theo phân loại cũng không thể thực hiện được vì phần lớn rác từ hộ dân đến điểm hẹn trung chuyển đều do lực lượng thu gom rác dân lập đảm trách, mà họ lại không hề biết đến chủ trương này.

Từ những bất cập trên, UBND TPHCM đã vận động thành lập các hợp tác xã (HTX). Mục đích nhằm từng bước đưa lực lượng trên vào tổ chức quản lý. Tuy nhiên, những khó khăn mà các HTX đang vấp phải cũng khiến cho mô hình HTX dịch vụ thu gom vệ sinh tan rã.

Đại diện HTX Bảo Tín (huyện Hóc Môn cho biết), trung bình mỗi tháng HTX thu được 60 triệu đồng tiền rác từ hộ dân xã Tân Xuân. Nhưng có đến 54 triệu đồng trả cho người thu gom. 6 triệu đồng còn lại phải trích 2% nộp cho quận huyện. Còn lại khoảng 4,8 triệu đồng chi cho hoạt động quản lý bao gồm thuê nhà 2,5 triệu đồng, lương nhân viên (3 người) 2,3 triệu đồng. Thử hỏi làm sao HTX có thể tồn tại được.

Tương tự, đại diện HTX Môi trường Xanh (quận Thủ Đức) cho biết, trung bình mỗi tháng, HTX trích 90% để chi cho nhân viên trực tiếp thu gom. 3% trích cho quận và phường. Còn lại 7% chi cho quản lý HTX – con số quá ít để có thể duy trì hoạt động chứ đừng nói đến đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại thu gom rác.

Phục hồi sức, cần “châm” thêm chính sách

Ông Tuấn Anh cũng thừa nhận, hiện có 4/15 HTX đã và đang làm thủ tục giải thể. Lý giải thực tế này có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ nguyên nhân chính là họ thiếu kinh phí để duy trì hoạt động. 11 HTX còn lại cũng hoạt động trong tình trạng cầm chừng vì vốn hoạt động quá ít.

Cụ thể như vốn hoạt động của HTX Nhơn Phú chỉ có 4 triệu đồng, HTX Trường Thịnh là 12 triệu đồng, HTX Quyết Thắng là 20 triệu đồng… Quá yếu về vốn đã dẫn đến thực trạng hầu hết trang thiết bị hoạt động của họ cực kỳ thô sơ, lạc hậu và là những phương tiện đang bị cấm lưu hành vì gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường. Thậm chí, nhiều HTX còn không có văn phòng để hoạt động như HTX Quyết Thắng, HTX Thông Hiệp Phát… Điều này cũng đồng nghĩa với chất lượng hoạt động thu gom vệ sinh kém.

Một băn khoăn khác mà đại diện HTX Nhơn Phú bày tỏ là tại sao các HTX phải chi cho quận huyện 2% - 3% trên tổng chi phí quản lý của mình. Nếu chi như thế ngược lại họ sẽ nhận được hỗ trợ gì? Hiện nay phần lớn các HTX đều không nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chức năng từ khi thành lập đến trong quá trình hoạt động. Người thu gom thì không nhận được hỗ trợ gì về việc xác định loại chất thải, cách thức phân loại và chủ nguồn thải.

Trường hợp chủ nguồn thải (hộ gia đình) không trả phí thu gom và đổ rác ra đường thì cũng chưa được các cơ quan chức năng hỗ trợ xử lý. Đặc biệt là phí thu gom rác hiện đã lạc hậu so với giá cả đang leo thang hiện nay. Giờ thu gom quá hạn hẹp chỉ khoảng 4 giờ/ngày…

Với những bất cập trên đã và đang dẫn đến một hệ lụy là lực lượng thu gom rác dân lập có nguy cơ tách khỏi HTX, trở lại với hình thức hoạt động tự do. Nếu thực tế đó tiếp diễn chất lượng vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố không thể cải thiện được. Quan trọng hơn là chương trình phân loại rác tại nguồn sẽ không thể triển khai.

Trung bình mỗi ngày TPHCM tiếp nhận khoảng 7.000 tấn rác. Nếu lượng rác phân loại tăng đồng nghĩa với việc tăng khả năng tái chế rác, tăng nguồn thu lợi nhuận từ rác. Đồng thời, giảm chi phí xử lý và diện tích đất chôn lấp rác. Nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được khi thực sự tổ chức quản lý được đội ngũ thu gom rác dân lập. Và mô hình HTX được xem là một hình thức hoạt động phù hợp nhất.

Thế nhưng để việc thành lập mô hình này không bị chết yểu thì rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng.

  • Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM

"Sở cam kết trình UBND TP về ban hành cơ chế hỗ trợ hoạt động cho HTX. Trong đó, tập trung hỗ trợ vốn để thay trang thiết bị thu gom vốn đã bị cấm lưu hành; thay đổi phí thu gom rác cho phù hợp với tình hình lạm phát hiện nay; làm việc với quận huyện sắp xếp điểm hẹn rác cho HTX; đặc biệt đề nghị quận huyện hỗ trợ thu phí vệ sinh với những chủ nguồn thải không đóng phí và hơn hết là xây dựng chính sách xã hội cho những người thu gom rác để khuyến khích, động viên họ tham gia vào HTX"

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục