Cũng như nhiều đô thị khác trên thế giới và của Việt Nam, TPHCM dựa trên ba trụ cột để phát triển là kinh tế - xã hội - môi trường. Môi trường ở đây được hiểu là môi trường sống (tự nhiên và nhân tạo) và môi trường sản xuất. Về mặt khoa học và thực tế, việc xây dựng một hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường tại TPHCM - thành phố cực lớn với rất nhiều đặc thù của mình, phải dựa trên nhiều cơ sở và phải theo thứ tự ưu tiên nhất định.
3 mức độ cho trình độ quản lý đô thị
Đây là cơ sở quan trọng nhất trong việc xây dựng hệ thống quản lý nhà nước và cũng là cơ sở đánh giá trình độ của cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo trong việc quản lý đô thị. Có thể chia làm ba mức độ. Trong đó, mức độ 1 là mức độ yếu kém. Ở mức độ này, hệ thống quản lý luôn đi sau các vấn đề nảy sinh từ thực tế và luôn bị thực tế điều khiển.
Công tác quản lý thường chỉ là giải quyết sự vụ, thiếu khả năng định hướng cho sự phát triển của xã hội tuân theo các quy luật tự nhiên và xã hội, trong đó có môi trường. Hậu quả là thiệt hại về kinh tế, sa sút về lòng tin của cộng đồng xã hội và môi trường bị ô nhiễm ngày càng nặng nề. Các vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường bị tích lũy, ngày càng khó giải quyết đến mức không giải quyết được dẫn đến những xung đột về lợi ích và phải thay đổi hệ thống quản lý.
Mức độ 2 là mức độ đáp ứng. Hệ thống quản lý có thể dự đoán và giải quyết được một số vấn đề thực tế vừa nảy sinh nhưng cũng rất bị động. Tính ổn định của hệ thống này rất thấp và dễ chuyển sang hệ thống với mức độ yếu kém.
Còn mức độ 3 là mức độ bền vững do có khả năng dự đoán trước các vấn đề sẽ xảy trong thực tế nên sẽ chuẩn bị trước các văn bản pháp luật làm cơ sở quản lý, nhân sự thực hiện công tác quản lý và cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ. Bên cạnh đó, hệ thống này còn có khả năng định hướng cho mọi thành phần trong xã hội kiểm soát được hành vi của mình để khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng năng lượng có hiệu quả và tiêu thụ bền vững.
Quản lý đô thị TPHCM đang ở mức độ 1?
TPHCM là thành phố lớn thứ hai (sau Hà Nội) của Việt Nam về diện tích và đông dân nhất Việt Nam, sẽ trở thành thành phố cực lớn trong tương lai rất gần. Nền kinh tế của thành phố rất đa dạng và có sự góp phần rất lớn của các tỉnh khác. Cơ sở hạ tầng của thành phố tốt nhất so với các địa phương khác nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và đang bị quá tải trầm trọng. Dân cư của thành phố chủ yếu là nhập cư với nền văn hóa của tất cả các miền trên đất nước, cả thành thị và nông thôn, cả văn minh và lạc hậu.
Đặc điểm này đã và đang tiếp tục ảnh hưởng (tốt và xấu) đến thành phố trong một thời gian dài nữa. 24 quận, huyện của thành phố có thành phần dân cư, xã hội, kinh tế và cơ sở hạ tầng chênh lệch rất lớn. Bộ máy quản lý nhà nước đang tỏ ra không theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế và xã hội. Chất lượng môi trường có xu hướng xấu đi và nhiều chất ô nhiễm khó nhận biết (kim loại nặng, POPs) đã xuất hiện.
Một vấn đề lớn khác nảy sinh từ thực tế phát triển của TPHCM là trong hơn 35 năm qua, xuất hiện khá nhiều ngành kinh tế, nhiều vấn đề xã hội mới, dẫn đến số lượng các lĩnh vực có yêu cầu về quản lý môi trường tăng theo. Cụ thể, diện tích và địa bàn hành chính tăng từ 18 lên 24 quận, huyện; cơ sở sản xuất tăng từ 2.000 lên 12.000; KCX-KCN tăng từ 0 đến 15 khu và thêm 33 cụm công nghiệp…
Các nguồn phát sinh chất thải và các chất ô nhiễm do vậy mà phát sinh ngày càng nhiều về số lượng và phức tạp về thành phần. Hành vi vi phạm môi trường của doanh nghiệp cũng diễn biến ngày càng tinh vi. Thế nhưng, bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chuyển biến rất chậm. Số lượng nhân sự tăng không đáng kể, cơ sở vật chất gần như không có gì. Vậy phải chăng quản lý đô thị thành phố đang ở mức 1?
Cải thiện chất lượng quản lý môi trường: cách nào?
Từ năm 2005 đến nay, hàng loạt chương trình mới phát sinh trong lĩnh vực môi trường như chương trình di dời các cơ sở ô nhiễm, ứng phó biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ thông tin, phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu phí vệ sinh, quản lý bùn hầm cầu, quản lý bùn nạo vét kênh rạch, xây dựng nhà máy, trạm xử lý nước thải và làm vệ sinh mạng lưới thoát nước, quản lý chất thải xây dựng, ứng phó sự cố môi trường… đã làm hệ thống quản lý (con người là chủ yếu) ngày càng quá tải.
Về quản lý chính sách, thực tế đòi hỏi phải có các cán bộ có trình độ khoa học cao và có kinh nghiệm lâu năm trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, từ trung ương đến địa phương đang thiếu nghiêm trọng lực lượng cán bộ này. Điều này cũng lý giải cho việc tại sao tất cả văn bản pháp luật đều bị sai sót hoặc chồng chéo, thậm chí đá chân lẫn nhau… Còn về quản lý điều hành (các hoạt động thực hiện chương trình, kế hoạch hành động) chưa được chuẩn bị nhân lực và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ chưa đầy đủ nên nhiều chương trình, kế hoạch hành động vẫn phải nhờ vào các cơ quan thành phố kiêm nhiệm thực hiện, dẫn đến hiệu quả không cao.
Để quản lý đô thị nói chung và môi trường nói riêng có hiệu quả, cơ quan chức năng cần cân bằng giữa đầu tư nhân lực và trang thiết bị hỗ trợ công tác quản lý. Mặt khác, để hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường, nhất là tại TPHCM, hoạt động tốt cần có sự phân cấp rõ ràng từ cơ quan quản lý cấp thành phố và cấp quận, huyện, phường xã. Đồng thời, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ quản lý tiên tiến với sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện kỹ thuật hiện đại, công tác quản lý đô thị nói chung và quản lý môi trường (chất thải) mới đạt được kết quả tốt. Ngược lại, nếu thiếu phương tiện kỹ thuật thì cơ quan chức năng sẽ không quản lý đô thị được dù có tăng biên chế với số lượng khổng lồ.
TS Nguyễn Trung Việt