Quản lý nước ngầm tại TPHCM: Buông xuôi?

Bộ TN-MT vừa công bố mực nước ngầm và chất lượng nước dưới đất tại đồng bằng Nam bộ đang suy giảm nghiêm trọng. Riêng khu vực TPHCM có mực nước giảm nhiều nhất. Điều đáng nói là thực tế này đã được các chuyên gia môi trường cảnh báo từ năm 2007. Bản thân Sở TN-MT TP đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế sự suy giảm mực nước ngầm nhưng xem ra không phải dễ.
Quản lý nước ngầm tại TPHCM: Buông xuôi?

Bộ TN-MT vừa công bố mực nước ngầm và chất lượng nước dưới đất tại đồng bằng Nam bộ đang suy giảm nghiêm trọng. Riêng khu vực TPHCM có mực nước giảm nhiều nhất. Điều đáng nói là thực tế này đã được các chuyên gia môi trường cảnh báo từ năm 2007. Bản thân Sở TN-MT TP đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế sự suy giảm mực nước ngầm nhưng xem ra không phải dễ.

Quản lý nước ngầm tại TPHCM: Buông xuôi? ảnh 1

Vận hành van mở đường ống hồ chứa nước ngầm tại một nhà máy ở huyện Bình Chánh. Ảnh: KIM NGÂN

Doanh nghiệp: vì rẻ nên cố đấm ăn xôi

Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc và dự báo tài nguyên nước, Bộ TN-MT cho biết, tại đồng bằng Nam bộ, ở một số điểm quan trắc mực nước cũng đã hạ thấp sâu, nhất là ở khu vực quận 12, quận Bình Tân (TPHCM). Không dừng lại đó, chất lượng nước ngầm đang bị suy giảm. Hai chất đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép tồn tại trong nước ngầm Mangan (Mn) và metan (CH4+).

Ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, Sở TN-MT TP cho biết, hiện theo thống kê chưa đầy đủ thì trung bình mỗi ngày có 700 doanh nghiệp được sở cấp giấy phép với tổng khối lượng nước khai thác khoảng 350.000m3/ngày. Tuy nhiên, con số thực tế khai thác thì chưa thể thống kê hết được.

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó chánh Thanh tra Sở TN-MT cũng khẳng định thêm, trong quá trình thanh tra kiểm tra về môi trường, trung bình mỗi năm, đoàn thanh tra phát hiện hàng trăm doanh nghiệp khai thác nước ngầm không xin phép. Đa số thường rơi vào những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cần sử dụng nhiều nước như chế biến thực phẩm, dệt nhuộm, chế biến nước giải khát… Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra là do nguồn nước cấp cung cấp cho nhà máy thiếu. Hoặc do nước cấp từ các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp không đảm bảo chất lượng như doanh nghiệp yêu cầu. Tuy nhiên, không ngoại trừ trường hợp nguồn nước cấp cung ứng đủ nhưng vì khai thác nước ngầm có chi phí rẻ hơn nên DN vẫn “cố đấm ăn xôi”.

Đại diện Phòng TN-MT quận Tân Bình bức xúc, cho đến nay gần như quận rất khó quản lý nếu không muốn nói là đành buông xuôi. Quy định thì nêu rõ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khai thác nước ngầm phải đăng ký nhưng nếu họ không đăng ký thì cũng đành chịu. Đó là chưa kể phần lớn doanh nghiệp là cơ sở sản xuất nhỏ, tận dụng nhà ở để sản xuất. Họ khai thác nước ngầm khối lượng lớn nhưng không xin phép. Vì thế muốn hạn chế khai thác nước ngầm của những đối tượng trên cũng rất khó. Ông Phạm Thanh Trực, Trưởng phòng Quản lý môi trường, Ban Quản lý Khu chế xuất – Khu công nghiệp TPHCM cho biết thêm, tình trạng các doanh nghiệp trong khu khai thác nước ngầm diễn ra rất phổ biến. Thực trạng này khiến đơn vị rất khó kiểm soát khối lượng nước thải của doanh nghiệp về hệ thống xử lý tập trung cũng như lượng nước thải họ thải trực tiếp ra ngoài.

Cơ quan chức năng: loay hoay tìm giải pháp

Từ năm 2007, nhiều đoàn nghiên cứu môi trường thuộc Viện TN-MT đã đưa ra những dẫn chứng thực tế về việc khai thác nước ngầm dẫn đến hiện tượng sụt lún địa tầng tại TPHCM. Những nơi đã phát hiện sụt lún là Bình Chánh, Bình Tân, quận 6 và Thủ Đức. Thậm chí, tại quận Thủ Đức, việc sụt lún hạ tầng đã làm sụp nhà dân. Còn tại quận 6, ống nước giếng khoan trồi gần 20cm… Xuất phát từ thực tế đó, Sở TN-MT đã đề xuất UBND TPHCM triển khai đề án hạn chế khai thác nước ngầm. Theo đó, với những khu vực đã có nước cấp kể cả doanh nghiệp hoặc hộ gia đình thì đều không được khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thể hoàn thành bản đồ nguồn nước cấp nên chưa thể ban hành bản đồ hạn chế khai thác nước ngầm.

Hệ quả của tình trạng suy giảm số lượng cũng như chất lượng nước ngầm đã rõ. Đó là tăng tình trạng xâm nhập mặt, gia tăng chất ô nhiễm trong nước ngầm và nguy hại nhất là sụt lún địa tầng, kéo theo sự sụp đổ các công trình xây dựng trên mặt đất. Kinh nghiệm sử dụng nguồn nước ngọt tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, nước ngầm là nguồn tài nguyên nước ngọt rất quý và chỉ sử dụng khi nguồn nước mặt đã cạn kiệt. Thậm chí, nhiều nước đã sử dụng công nghệ bổ cập nước sạch cho nguồn nước ngầm như là cách để lưu giữ nguồn tài nguyên nước ngọt quý.

Ông Nguyễn Văn Ngà cho biết, công nghệ bổ cập nước ngầm này rất đắt tiền và vượt quá khả năng của nước ta nói chung và TPHCM nói riêng. Hiện thành phố đang nghiên cứu tận dụng nguồn nước mưa để bổ cập cho nước ngầm. Việc xanh hóa vỉa hè thời gian qua cũng nhằm mục đích này.

Tuy nhiên, về lâu dài cần có những biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ nguồn nước này. Hiện sở đang kiến nghị thành phố và Bộ TN-MT tăng mức phần trăm thuế sử dụng nước ngầm sao cho tương được hoặc cao hơn giá thành nước cấp; tăng mức xử phạt hành vi vi khai thác nước ngầm thật nặng. Đặc biệt, phải thực hiện được việc cưỡng chế trám lấp giếng khoan. Có như vậy mới mong bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngọt sạch là nước ngầm.

 Việc xử lý doanh nghiệp hay hộ dân vi phạm khai thác nước ngầm chưa đủ sức răn đe. Trung bình mức phạt tối đa cho mỗi hành vi vi phạm khai thác tài nguyên nước ngầm là 500.000 đồng nên các đối tượng vi phạm, đặc biệt là doanh nghiệp thường chấp nhận nộp phạt hơn là ngưng khai thác. Không chỉ vậy, để hạn chế việc khai thác nước ngầm Bộ TN-MT đã ban hành việc thu thuế đối với tài nguyên nước ngầm. Theo đó, mức thu trung bình khoảng từ 1% - 8% của đơn giá 4.000 đồng/m3 đối với nước ngầm. Tuy nhiên, mức thu thuế này quá thấp so với chi phí họ phải trả cho nước cấp nên cho đến nay vẫn chưa thể hạn chế được sản lượng nước ngầm bị khai thác

Phó chánh Thanh tra Sở TN-MT TPHCM Lê Thị Kim Oanh

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục