Quản lý xả thải hóa chất vào môi trường: Phải tăng quyền giám sát cho dân

Môi trường và thiên nhiên đang bị hủy hoại

Tại hội thảo bàn về thực trạng và giải pháp quản lý để hạn chế chất thải công nghiệp tràn ra môi trường, do Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) tổ chức ngày 10-5 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng thu hút đầu tư vào Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, đến lúc phải xem lại các quy chuẩn về môi trường, không thể đánh đổi lợi ích kinh tế bằng mọi giá.

Môi trường và thiên nhiên đang bị hủy hoại

Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc PanNature nêu: chúng ta đang có tới gần 300 khu công nghiệp (tập trung dày đặc tại đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ), 15 khu kinh tế biển mà Vũng Áng (Hà Tĩnh) chỉ là một ví dụ, chưa kể 12 nhà máy nhiệt điện đã hoạt động (trong tương lai còn thêm 50 nhà máy). Còn theo TS Lê Hoàng Lan thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, không chỉ vùng biển quanh khu kinh tế Vũng Áng đối mặt với việc hệ sinh thái bị tận diệt và nguồn nước bị đầu độc do chất thải công nghiệp, mà còn rất nhiều lưu vực sông có quá nhiều nguồn thải từ các doanh nghiệp, hoạt động thương mại, du lịch và dân sinh… 

Bày tỏ nỗi lo lắng về môi trường và thiên nhiên đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi hóa chất công nghiệp, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT đề nghị cần xem lại quy chuẩn, tiêu chuẩn xả thải hóa chất ra môi trường bởi như quy định hiện nay là thấp so với thế giới và khu vực. “Các quy chuẩn hiện nay chỉ phù hợp với giai đoạn chúng ta kêu gọi thu hút đầu tư. Hiện nước ta đang sang thời kỳ mới, thuộc các nước có mức thu nhập trung bình, không nên bất chấp hậu quả về môi trường để thu hút đầu tư và đánh đổi”- GS Đặng Hùng Võ nói.

Người dân giám sát doanh nghiệp xả thải

Đề cập quy chuẩn xả thải cũng như vai trò giám sát ô nhiễm, Phó cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) Nguyễn Xuân Sinh thừa nhận, văn bản của chúng ta nhiều nhưng năng lực và công cụ còn yếu kém, bất cập. Quy hoạch kinh tế, quy hoạch bảo vệ môi trường đang vênh nhau giữa địa phương và trung ương, trên một đằng dưới làm một nẻo. Còn ông Trần Thế Loãn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) và bà Lê Hoàng Lan thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường thì khẳng định, nguyên nhân do năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước yếu kém, không giám sát được doanh nghiệp. Để tăng cường năng lực giám sát, GS Đặng Hùng Võ đề nghị phải tạo cửa để người dân và tổ chức dân sự có quyền tham gia quá trình giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp. “Hiện chỉ có duy nhất Luật Đất đai, còn lại không có luật nào quy định việc toàn dân tham gia giám sát” - GS Đặng Hùng Võ nói.

Theo Giám đốc Trung tâm Môi trường và cộng đồng Nguyễn Ngọc Lý, có 3 “bảo bối” quan trọng để cứu môi trường hiện nay là việc thực thi luật pháp một cách nghiêm minh, cần coi xả thải trái phép ra môi trường là tội phạm để xử lý hình sự chứ không chỉ phạt; áp dụng công nghệ và tăng quyền giám sát; cần phải có luật về kiểm soát chất lượng nguồn nước để các chất độc không xả bừa bãi vào nguồn nước.

Đề cập tới việc xả thải của Formosa, GS Đặng Hùng Võ nêu câu hỏi: “Tại sao lại thay đổi nơi xả thải từ sông Quyền sang xả thải ra biển? Tôi cho rằng đây là sự luẩn quẩn trong công tác quản lý. Cần chỉ ra rằng có tham nhũng trong vấn đề này hay không?”. Theo ông, nếu nhận tiền để đồng ý bằng miệng cho doanh nghiệp xả thải ra biển thiếu kiểm soát thì hậu quả vô cùng đáng ngại.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục