LTS: Báo SGGP đã nhiều lần đề cập đến việc phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bài viết của ông Hoàng Minh Trí cũng đưa ra những nội dung tương tự, tuy nhiên với tư cách một nhà khoa học, nhiều nghiên cứu của ông rất có giá trị về mặt thông tin khoa học. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về sự phát triển của TP, Báo SGGP xin trích giới thiệu bài viết của ông về vấn đề này.
Nền đất TPHCM: đa phần thấp và yếu
Từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay, TPHCM đã có 3 lần lập quy hoạch chung xây dựng được Thủ tướng phê duyệt. Do điều kiện về khoa học kỹ thuật ở giai đoạn đó chưa có đầy đủ số liệu về địa chất công trình, địa chất thủy văn và đặc biệt các yếu tố về nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng chưa được cảnh báo, nên trong 2 đồ án quy hoạch được phê duyệt năm 1993 và 1998, chưa thể hiện những nghiên cứu vấn đề nguy cơ về biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng.
Đến năm 2004, TP kiến nghị và được Thủ tướng cho phép nghiên cứu điều chỉnh đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2020- đã được Thủ tướng phê duyệt năm 1998.
Trong quá trình điều tra thu thập số liệu hiện trạng và đánh giá việc thực hiện quy hoạch chung TPHCM được duyệt năm 1998, đơn vị tư vấn được TP giao là Viện Quy hoạch Xây dựng và Công ty Nikken Sekkei, Nhật Bản (đơn vị tư vấn được giao tìm ý tưởng cho điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025), ngoài việc đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch được duyệt trong Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg, đã phát hiện ra khiếm khuyết trong nghiên cứu của đồ án quy hoạch trước đây là không đưa các yếu tố về địa chất công trình, địa chất thủy văn và đặc biệt, nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng nên đã bổ sung thiếu sót này.
TPHCM nằm trong vùng chuyển tiếp từ vùng đồi núi Đông Bắc đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Địa chất được hình thành từ đất và đá ở thời kỳ paleozoic và cenozoic. Đá paleozoic phân bố ở khu vực đất gò phía Đông Bắc của TPHCM. Chúng là dạng đá andesite, cấu thành đá andesite của khu Long Bình. Đá cenozoic được hình thành từ trầm tích holocene, pleistocene và tertiary. Trầm tích pleistocene được hình thành ở huyện Thủ Đức (cũ) và Củ Chi. Việc hình thành trầm tích pleistocene Thủ Đức phân bố trên các khu vực đất gò với cao độ mặt đất từ +5 m đến +30 m ở quận Thủ Đức và quận 9 tại khu vực Đông Bắc của TP. Trầm tích holocene phân bố trên địa hình đồng bằng liên tục với cao độ mặt đất từ +0,6 m đến +1,0 m ở khu vực đất thấp các huyện ngoại thành. Lớp trầm tích pleistocene là lớp cát chặt trung bình, cát hay cát sét (đất hạt thô dính) và lớp này đôi khi là lớp cát sét cứng hay sét. Lớp trầm tích pleistocene này có khả năng chịu lực cao.
Nền địa chất của TP còn lớp trầm tích holocene dày 2,5- 35m nằm trên lớp trầm tích pleistocene. Chiều dày lớp trầm tích holocene khoảng 10m dọc theo phía Bắc kênh Tàu Hũ và chiều dày lớn hơn 20 m ở khu vực dọc phía Nam kênh Tàu Hũ (thuộc địa bàn quận 7, phía Bắc huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, Cần Giờ). Lớp trầm tích holocene này là lớp sét hữu cơ hoặc cao rất mềm, sét cát (đất hạt mịn dính) và chúng là lớp sét mịn hay cát sét rời, rất rời. Lớp đất này có khả năng chịu lực thấp với giá trị N = 0 ÷ 2.
Căn cứ vào bản đồ địa hình của TPHCM, nhìn chung, TP có địa hình tương đối phẳng và thấp với một số gò triền phía Tây Bắc và Đông Bắc, cao độ mặt đất có khuynh hướng giảm dần từ phía Tây Bắc về phía Nam và Đông Nam.
Khu vực địa hình dạng gò triền lượn sóng phân bố phần lớn ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, phía Bắc quận Thủ Đức, quận 9, phía Bắc huyện Bình Chánh. Cao độ mặt đất thay đổi 4- 32m; trong đó, vùng có cao độ 4- 10m chiếm khoảng 19% tổng diện tích tự nhiên; vùng có cao độ trên 10 m chiếm 11% tổng diện tích tự nhiên.
Khu vực địa hình dạng phẳng thấp phân bố ở các quận nội thành hiện hữu, phần đất của huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Thủ Đức nằm dọc theo sông Sài Gòn và phần đất phía Nam huyện Bình Chánh. Cao độ mặt đất thay đổi 2- 4m; chiếm khoảng 15% tổng diện tích tự nhiên.
Khu vực địa hình dạng trũng thấp tạo thành một vệt kéo dài từ phía Nam huyện Củ Chi (xã Thái Mỹ, Tam Tân) vòng về phía Tây huyện Bình Chánh (dọc kênh An Hạ, Lê Minh Xuân, Tân Nhựt) đến phía Nam (huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ) và Đông Nam (Bưng 6 xã thuộc quận 9), một số khu vực phía Bắc rạch Tham Lương- Bến Cát, khu vực Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh. Cao độ mặt đất thay đổi 0- 2m, chiếm khoảng 55% tổng diện tích tự nhiên (so với cao độ quốc gia).
Nương theo tự nhiên để phát triển
Đối với khu vực đô thị hiện hữu: gồm 13 quận nội thành hiện hữu giữ nguyên cao độ xây dựng hiện hữu với các công trình cải tạo, với các công trình xây dựng mới (xây chen) trong khu dân cư phải tuân thủ theo cao độ xây dựng chuẩn hiện hữu để đảm bảo tiêu, thoát nước mặt cho toàn khu vực.
Đối với khu vực thuận lợi cho xây dựng: có địa chất công trình, địa chất thủy văn thuận lợi cho xây dựng và có cao độ nền cao (lớn hơn 2 m) ở phía Bắc TP gồm các quận 12, Thủ Đức, phía Bắc quận 2; huyện Hóc Môn, Củ Chi, phía Bắc huyện Bình Chánh sẽ quy hoạch phát triển các khu đô thị hiện đại có mật độ xây dựng cao, tầng cao công trình phù hợp cho từng khu chức năng, hệ số sử dụng đất phù hợp quy chuẩn cho từng khu chức năng nhưng vẫn phải đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất dành cho giao thông, công trình phúc lợi công cộng, cây xanh đô thị.
Đối với khu vực không thuận lợi cho xây dựng: có địa chất công trình, địa chất thủy văn và cao độ nền thấp (thấp hơn 2 m chiếm hơn 60% diện tích đất tự nhiên của TP) ở phía Nam TP gồm các quận 7, phía Nam huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ (các khu đất ngoài Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn) sẽ quy hoạch phát triển các khu đô thị có mật độ xây dựng thấp, tầng cao công trình lớn, hệ số sử dụng đất tối đa với từng khu chức năng, ngoài việc đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất dành cho giao thông, công trình phúc lợi công cộng, cây xanh đô thị, còn phải tuân thủ quy định không được san lấp, ngăn dòng chảy phải giữ nguyên hệ thống sông, rạch và không xây dựng trong hành lang bảo vệ sông, rạch đảm bảo cho tiêu thoát nước. Với các khu đô thị này khi xây dựng các công trình phải tính tới yêu cầu thích ứng với nước biển dâng.
HOÀNG MINH TRÍ (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM)
Cao độ xây dựng tại TPHCM như thế nào?
Theo Viện Quy hoạch TPHCM, tùy theo vị trí các khu vực của TP, để phát triển bền vững, cao độ nền khống chế được quy định như sau:
Đối với khu nội thành hiện hữu gồm 13 quận cũ: toàn bộ khu vực nằm trong vùng bờ hữu sông Sài Gòn- Nhà Bè thuộc hệ thống đê bao cống điều tiết khép kín, cao độ mặt đê thay đổi 2,5- 3m; cao độ xây dựng khống chế Hxd ³ 2 m. Cao độ nền xây dựng từng khu vực được tính toán phù hợp với cao độ xây dựng khống chế toàn khu vực, đảm bảo nền không bị ngập, không có hiện tượng sạt lở. Giữ nguyên nền đất hiện hữu, chú trọng việc hoàn thiện mặt phủ đồng thời với các biện pháp quy hoạch và quản lý đô thị nhằm nâng cao diện tích cây xanh, thảm cỏ (đối với khu không chịu ảnh hưởng triều); tôn nền các khu vực có thể giải tỏa và xây dựng tập trung, còn lại chủ yếu sử dụng các biện pháp mang tính cục bộ để bảo vệ nền đất như xây đê; nâng cao mặt đường; lắp đặt van đóng mở một chiều... (đối với khu chịu ảnh hưởng triều);
Đối với khu nội thành phát triển gồm 6 quận mới: đối với quận 7, 12, Bình Tân thuộc vùng bờ hữu sông Sài Gòn- Nhà Bè, cao độ xây dựng khống chế Hxd ³ 2m; đối với quận 2, 9, Thủ Đức thuộc vùng bờ tả sông Sài Gòn- Nhà Bè, cao độ xây dựng khống chế Hxd ³ 2m (đối với khu vực nằm trong đê bao) và Hxd ³ 2,5m (đối với khu vực nằm ngoài đê bao). San, đắp phù hợp với cao độ khống chế, kết hợp tận dụng địa hình tự nhiên, giữ lại sông, rạch để hỗ trợ tiêu thoát nước và tạo cảnh quan cho đô thị;
Đối với các khu dân cư nông thôn và khu đô thị mới tại 5 huyện ngoại thành: 4 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè thuộc vùng bờ hữu sông Sài Gòn- Nhà Bè, cao độ xây dựng khống chế Hxd ³ 2m; giải pháp quy hoạch chiều cao đất xây dựng như khu nội thành hiện hữu. Tại huyện Cần Giờ thuộc vùng bờ tả sông Nhà Bè- Soài Rạp: cao độ xây dựng khống chế trong đê Hxd ³ 2 m, không xây dựng mới những khu vực ngoài đê. Trước mắt sử dụng hệ thống đê bao nhỏ và đê biển để chống ngập úng. Không thay đổi môi trường, làm gia tăng dòng chảy mặt, phù hợp với quy hoạch thủy lợi, đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đối với khu vực có cao độ nền thấp hơn 2 m (chiếm hơn 50% diện tích đất tự nhiên của TP), sẽ bị ảnh hưởng khi nước biển dâng, việc xây dựng công trình phải tuân thủ các chỉ tiêu quy hoạch đã được duyệt, cụ thể:
- Cấm xây dựng trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt (diện tích khoảng 33.000 ha) trong Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (diện tích khoảng 75.000 ha); rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thuộc địa bàn huyện Củ Chi diện tích khoảng 2.250 ha và huyện Bình Chánh khoảng 1.500 ha;
- Cấm xây dựng trong khu vực hành lang bảo vệ dọc sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Nhà Bè;
- Mật độ xây dựng thấp và nén, có hệ số sử dụng đất cao để dành đất cho cây xanh, thảm cỏ nhằm đảm bảo cho tiêu, thoát nước mưa.
- Giảm tỷ lệ công trình xây dựng thấp tầng, nhằm giảm chi phí đầu tư xây dựng phần móng cho công trình, giảm giá thành xây dựng tại các khu vực có địa chất công trình, địa chất thủy văn không thuận lợi.
- Các công trình xây dựng phải có thiết kế với các giải pháp thích ứng với nước biển dâng: giải pháp thiết kế kiến trúc, giải pháp đề xuất cao độ xây dựng thích ứng với nước biển dâng theo dự báo từng thời kỳ của biến đổi khí hậu toàn cầu.
- Đặc biệt khi san nền xây dựng công trình kiến trúc hay hạ tầng kỹ thuật đô thị, phải quản lý đảm bảo không cho lấn chiếm sông, rạch làm hẹp dòng chảy và phải tuân thủ theo quy định không xây dựng trong hành lang bảo vệ sông, rạch nhằm mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất làm biến đổi môi trường khu vực do xây dựng phát triển đô thị và đảm bảo tiêu thoát nước cho khu vực.
Tâm Đức