(SGGP). – Ngày 24-12 tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, tính đến ngày 15-10, còn nợ đọng 24 văn bản quy định chi tiết 15 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật. Sự yếu kém trong xây dựng văn bản pháp luật là một thực tế, trong đó có nguyên nhân quan trọng là nhận thức của cả bộ máy. Một số cấp, ngành, nhất là người đứng đầu, chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, chất vấn: “Thiệt hại của xã hội phát sinh do hướng dẫn chi tiết chậm được ban hành thì đánh giá thế nào? Ai chịu trách nhiệm”? Trong khi đó, đại biểu Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật, đề nghị làm rõ việc có một số văn bản hướng dẫn không đúng với tinh thần của văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, chưa tạo được đồng thuận xã hội; cụ thể như việc khai tên cha mẹ trong CMND, phạt xe chính chủ hay thu phí bảo trì đường bộ…
Góp phần làm rõ vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, một vướng mắc hiện nay là giá trị pháp lý của ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp chưa được khẳng định, nhất là những vấn đề mà ý kiến thẩm định có sự khác biệt với cơ quan soạn thảo… Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng thừa nhận, chất lượng cũng như đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ pháp chế ở các bộ ngành; kinh phí dành cho công tác xây dựng pháp luật là những vấn đề cần tiếp tục được quan tâm trong thời gian tới.
Trong hai ngày 24 và 25-12, tại TPHCM, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội thảo “Pháp luật hình sự phục vụ việc sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự (BLHS)”. Sau 10 năm kể từ khi BLHS năm 1999 được ban hành, tình hình đất nước đã có những thay đổi lớn về mọi mặt, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và đối ngoại. Điều này đòi hỏi BLHS hiện hành cần phải được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện nhằm tạo ra công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Trong ngày đầu tiên, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về cơ sở lý luận và thực tiễn sửa đổi, bổ sung toàn diện BLHS, tội phạm có tổ chức, hệ thống hình phạt, trách nhiệm hình sự của pháp nhân…
Theo ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cần sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS về các tội phạm, đặc biệt là tội phạm về kinh tế theo hướng rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ; đồng thời cần nghiên cứu bổ sung một số tội phạm mới phát sinh trong các lĩnh vực tài chính – kế toán, chứng khoán, bảo hiểm, lao động, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, từ thực tiễn cho thấy phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhất là pháp nhân kinh tế, đã thực hiện các hành vi trái pháp luật như đầu cơ, buôn lậu, trốn thuế, kinh doanh trái phép hoặc vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, về bảo hộ lao động gây hậu quả nghiêm trọng.
“Xử lý trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm mà người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn trong thực thi pháp luật; người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác”, TS. Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đề xuất.
A.THƯ - A.CHÂN