Ông Phan Văn Quang, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình cho biết, đây là năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức nhằm mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giảng dạy, qua đó nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động dạy học theo phương pháp giáo dục hiện đại.
Đồng thời, cuộc thi cũng nhằm nhân rộng tính hiệu quả của các sản phẩm sáng tạo do giáo viên thiết kế, thúc đẩy phát triển giáo dục theo định hướng xây dựng trường học thông minh, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thông qua hoạt động, giáo viên có cơ hội trao đổi, chia sẻ những sáng tạo trong các hoạt động chuyên môn, hoạt động dạy và học, đồng thời có cơ hội học tập, trải nghiệm những hoạt động thực tế cho giáo viên, học sinh, giúp giáo viên nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cũng như giúp phụ huynh, học sinh hiểu rõ hơn về phương pháp dạy học hiện đại.
Đặc biệt, quá trình chuẩn bị và tham gia cuộc thi giúp giáo viên nâng cao năng lực thiết kế bài giảng, bài giảng điện tử trên các công cụ hỗ trợ như phần mềm MS PowerPoint, ActivInspire, Edraw Mind Map, Lecture Maker, Geometer’s Sketchpad, Novoasoft Science Word…
Năm nay, cuộc thi thu hút 111 giáo viên đến từ các trường THCS công lập và ngoài công lập trên địa bàn quận Tân Bình. Trải qua vòng sơ khảo, 42 giáo viên xuất sắc nhất tiếp tục tham gia vòng chung khảo ở 11 bộ môn gồm: Ngữ văn, Toán, Hóa học, Anh văn, Sinh học, Công nghệ, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân, Tin học và Âm nhạc.
Trong đó, ở mỗi phần dự thi của giáo viên, ngoài đánh giá và nhận xét của hội đồng ban giám khảo, đại diện giáo viên đến từ 13 trường THCS trên địa bàn quận cũng tiến hành cho điểm, bình chọn ra sản phẩm bài giảng có chất lượng cao nhất. Cụ thể, mỗi bài giảng sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chí nội dung thiết kế bài dạy, tính sáng tạo và đổi mới, hiệu quả khi vận dụng đại trà và tạo hứng thú cho học sinh, kỹ năng thuyết trình của giáo viên.
Tham dự vòng chung khảo ở môn Toán, cô Phan Thị Thanh Nga, giáo viên môn Toán, Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) cho biết, để thiết kế một bài giảng trực tuyến hiệu quả, sinh động, giáo viên phải thực hiện 5 bước gồm: Xác định ý tưởng, kịch bản bài giảng; Tìm tư liệu và thiết kế bài giảng; Ghi âm, đồng bộ âm thanh dự trên kịch bản bài dạy; Thiết kế bài tập cho học sinh dưới dạng tương tác (quiz) và Chạy thử, sửa lỗi.
Cô Thanh Nga chia sẻ, hiện nay một số phần mềm dạy học chưa hỗ trợ tiếng Anh nên giáo viên muốn sử dụng phải tự trau dồi thêm khả năng ngoại ngữ. Ngoài ra, ở công đoạn ghi âm, sau khi ghi âm giọng nói theo kịch bản giảng dạy, giáo viên phải dùng hệ thống phần mềm lọc tạp âm để đem lại hiệu quả tiếp nhận tốt nhất cho học sinh.
Ở bộ môn Địa, cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giáo viên môn Địa, Trường THCS Ngô Quyền bày tỏ, dạy học trên phần mềm công nghệ thông tin có thể dần thay thế phương pháp dạy học truyền thống. Trong đó, giáo viên tranh thủ các phần mềm, công cụ hỗ trợ miễn phí để làm phong phú, sinh động hơn bài giảng của mình.
Đối với môn Lịch sử, thầy Trịnh Văn Hải, giáo viên Trường THCS Võ Văn Tần chia sẻ, mỗi môn học có một đặc thù khác nhau, vì vậy giáo viên cần lựa chọn phần mềm phù hợp quá trình dạy học. Ở môn Lịch sử, thầy sử dụng phần mềm thiết kế đồ họa để hệ thống kiến thức một cách ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu nhằm tăng hiệu quả tiếp thu cho học sinh.
Đơn cử, với bài dạy “Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật” ở khối 9, thầy Trịnh Văn Hải đã thiết kết bài dạy theo 4 nội dung chính gồm nguồn gốc, thành tựu, ý nghĩa và tác động. Tiết học được giáo viên này thiết kế theo hình thức cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” gồm các phần khởi động, tăng tốc và về đích.
Theo đó, học sinh được chia thành 6 nhóm để làm việc nhóm, tìm hiểu về từng nội dung của bài học, thuyết trình trước lớp để các thành viên khác góp ý và hoàn thiện thêm kiến thức. Cuối cùng, giáo viên sẽ là người chốt lại vấn đề dựa trên các slide bài giảng sử dụng phần mềm PowerPonit.
Bài giảng kết thúc bằng hoạt động vận dụng và mở rộng, học sinh được yêu cầu đóng vai một phóng viên môi trường, viết lại một bài phóng sự ngắn phản ảnh tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương mình.
Qua quá trình thiết kế bài giảng, thầy Trịnh Văn Hải cho biết, không chỉ bản thân giáo viên sử dụng phần mềm đồ họa thông tin (infographic) mà còn chia sẻ, hướng dẫn học sinh sử dụng phần mềm này để tự thiết kế hình ảnh đồ họa, qua đó khắc sâu hơn kiến thức cho học sinh.
Dự kiến, kết quả cuộc thi sẽ được công bố vào ngày 16-11 và trao giải vào ngày 18-11.