Quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn : Hàng vạn bước mỗi ngày

Quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn : Hàng vạn bước mỗi ngày

Ngay khi còn chiến tranh, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - đã nghĩ đến việc chọn một vùng đất thiêng để xây dựng nghĩa trang quy tập hài cốt liệt sĩ trên hai dãy Đông - Tây Trường Sơn về một mối. Mảnh đất được chọn xây dựng nghĩa trang phải là nơi địa đầu của miền Nam, đại bản doanh của binh đoàn Trường Sơn và phải nằm trong sự ngưỡng vọng của cả nước. Với những lý do đó, khu vực đồi Bến Tắt ở thượng nguồn sông Bến Hải đã được chọn xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn để “Vạn thuở lưu danh liệt sĩ/Ngàn đời tạc sử Trường Sơn” như lời Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên khi trở lại thăm nghĩa trang.

Quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn : Hàng vạn bước mỗi ngày ảnh 1

Hình 1

Sau khi đất nước thống nhất được hai năm, ngày 2-9-1977, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hoàn thành. Lúc ấy, có một người con gái tuổi đôi mươi đã tình nguyện rời quê hương Triệu Phong lên nghĩa trang chăm sóc nơi yên nghỉ của các liệt sĩ. Người con gái đó tên Nguyễn Thị Bé, bây giờ vừa tròn 50 tuổi. Chị là người “cổ nhất” ở Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Công việc hàng ngày của chị là dọn dẹp vệ sinh, hương khói cho phần mộ các liệt sĩ (ảnh 1).

Ba mươi năm sau, một thế hệ thứ hai gồm 6 thanh niên tình nguyện đến nghĩa trang Trường Sơn làm việc, đưa số cán bộ ở Ban quản lý nghĩa trang từ 14 lên 20 người. Để chăm sóc chu đáo khu nghĩa trang rộng gần 10ha gồm 16 phân khu với hơn 10.000 mộ liệt sĩ, trung bình mỗi ngày, mỗi cán bộ ở đây đi bộ đến hàng vạn bước.

Cũng nằm trong khuôn viên nghĩa trang nhưng từ trung tâm nghĩa trang tới khu nhà tập thể của cán bộ quản trang phải đi bộ đến 1km. Những năm trước, nhà ở của các anh chị rất lụp xụp nhưng nay đã được Nhà nước đầu tư xây dựng lại khang trang hơn. Ngôi nhà (ảnh 2) chia thành bốn phòng được trang bị ti vi, điện thắp sáng, làm chỗ nghỉ ngơi cho cán bộ trẻ. Các lãnh đạo của Ban quản trang thì ở ngay trên khu vực đón khách để tiện tiếp đón thân nhân các liệt sĩ bất kể giờ giấc.

Sống giữa núi rừng, xa phố chợ nên cuộc sống của cán bộ ở đây rất đạm bạc. Công tác lâu năm nhất như chị Nguyễn Thị Bé mỗi tháng lương chỉ có 1,3 triệu đồng. Mỗi bữa ăn tập thể mỗi suất 2.000-3.000đ/người. Cảm kích trước sự tận tụy của cán bộ Ban quản lý nghĩa trang, ngày 20-7-2007 Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cùng đoàn đại biểu TPHCM đã đến dâng hương ở nghĩa trang và tặng 50 triệu đồng để góp phần chia sẻ khó khăn cho cán bộ quản trang (ảnh 3).

Quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn : Hàng vạn bước mỗi ngày ảnh 2

Hình 2

Quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn : Hàng vạn bước mỗi ngày ảnh 3

Hình 3

Quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn : Hàng vạn bước mỗi ngày ảnh 4
Hình: 4
Quản trang Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn : Hàng vạn bước mỗi ngày ảnh 5

Hình: 5

Sự hy sinh, vất vả của các anh em trong Ban cũng được Đảng, Chính phủ ghi nhận. Khi còn làm Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đến thăm nghĩa trang và quyết định nâng phụ cấp hàng tháng cho cán bộ quản trang lên 15 kg gạo/người (hồi ấy được tính thành tiền là 40.000 đồng). Mới đây, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và chụp ảnh lưu niệm với các anh em trong Ban quản lý nghĩa trang (ảnh 4).

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Ông Gary Canant (60 tuổi, tiểu bang Kansas, miền Trung nước Mỹ), một cựu chiến binh Mỹ từng tham gia ở chiến trường Quảng Trị, là một trong vị khách đặc biệt đến dâng hương tại nghĩa trang (ảnh 5). Tại đây, Gary Canant đã thổi kèn bản nhạc Tiến quân ca bên nấm mồ các liệt sĩ và xúc động nói: “Tôi thổi điệu kèn này để bày tỏ lòng khâm phục những liệt sĩ đã hy sinh vì cuộc chiến tranh chính nghĩa để giành hòa bình, độc lập cho dân tộc Việt Nam”.

Quang Huy

Tin cùng chuyên mục