Quảng bá phim đặt hàng: Hết thời “hữu xạ tự nhiên hương”

Tư duy bao cấp, xem nhẹ quảng bá, thậm chí chỉ cần làm cho có từng ăn sâu vào không ít đơn vị sản xuất phim nhà nước. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh hiện nay, đặc biệt với sự phát triển của khoa học - công nghệ, bỏ qua quảng bá là tự kéo mình tụt hậu.
Thay đổi trong cách thức quảng bá mang đến hiệu quả tích cực cho Kẻ sát nhân cô độc 2
Thay đổi trong cách thức quảng bá mang đến hiệu quả tích cực cho Kẻ sát nhân cô độc 2

Bài học hay

Theo dõi chương trình Chuyển động 24g lúc 18 giờ 30 mỗi ngày, chị Cẩm Giang (quận Gò Vấp, TPHCM) khá bỡ ngỡ khi liên tục thấy quảng cáo “Tuần phim hoạt hình trên VTVGo”. Tò mò, chị thử tải ứng dụng này về. “Trước giờ tôi rất thích xem phim hoạt hình, nhưng đa phần xem ở rạp hay các kênh phim nước ngoài. Lần đầu tôi thấy phim hoạt hình Việt được quảng bá rầm rộ, vào xem bị thu hút ngay về hình ảnh, kỹ xảo và âm nhạc. Chưa kể, các phim có nội dung rất gần gũi. Mỗi ngày, 2 mẹ con đều xem vài bộ phim, vừa xem vừa trò chuyện và giải thích những chi tiết bé chưa hiểu”, chị tâm sự. 

Bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, cho biết việc chiếu 50 bộ phim hoạt hình của hãng trên VTVGo đúng dịp hè và trong tình hình dịch bệnh giúp các cháu ở nhà thêm niềm vui, giải trí khi không được đi chơi hay du lịch ở bất kỳ đâu. Bà cũng cho hay: “Đây là cơ hội để chúng tôi có thể tiếp cận thêm khán giả, phổ biến phim hoạt hình do hãng sản xuất ra trên diện rộng. Bình thường, các bộ phim của hãng đã được đưa lên nhiều nền tảng khác nhau, nhưng VTV là kênh truyền hình quốc gia, có độ phủ sóng rộng nên việc quảng bá tốt hơn hẳn”. 

So với các đơn vị sản xuất phim nhà nước, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam khá thức thời trong việc tiếp cận khán giả. Các phim của hãng xuất hiện trên nhiều kênh khác nhau: truyền hình MyTV, NextTV, FPT, LalaTV, VTVcab, ZingTV… Hãng cũng có fanpage và kênh YouTube với gần 500.000 người theo dõi, trong đó nhiều bộ phim đạt hàng chục triệu lượt xem. 

Cuối năm 2020, Hãng phim Truyền hình TPHCM (TFS) tổ chức chiến dịch truyền thông rầm rộ cho bộ phim Kẻ sát nhân cô độc. NSƯT Lý Quang Trung, Giám đốc TFS, cho biết: “Sau khi phim lên sóng, sự đón nhận của công chúng khá tốt. Phim còn mang đến những tác động tích cực giúp công tác quảng cáo có hiệu quả hơn. Dù không nắm được số lượng chi tiết nhưng qua trao đổi với trung tâm dịch vụ, lượng spot quảng cáo tăng khá nhiều”.  

Theo ông Quang Trung, đây là sự thay đổi lớn, trong đó điều kiện tiên quyết là tăng kinh phí cho quảng bá. Trước đây, mỗi phim do TFS sản xuất lên sóng thường có khoảng 40 triệu đồng quảng bá, nên chỉ tập trung làm trên các hạ tầng sẵn có của đài: phát trailer trên sóng, đưa thông tin lên trang web nội bộ… Với Kẻ sát nhân cô độc, ban giám đốc đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí hơn 300 triệu đồng. Hãng đã thuê một đơn vị quảng bá độc lập bên ngoài tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp từ khi phim khởi quay đến sau khi phát sóng. “Việc thử nghiệm và thuê đối tác bên ngoài, chúng tôi xác định vừa làm vừa học hỏi cho các dự án kế tiếp, không còn tư duy làm cho có như trong quá khứ”, ông Quang Trung chia sẻ. 

Thay đổi trong cách thức quảng bá mang đến hiệu quả tích cực cho Kẻ sát nhân cô độc

Đừng ỷ lại

Tại nhiều hội thảo về điện ảnh, truyền hình, không ít nhà làm phim bày tỏ quan ngại nhiều bộ phim nhà nước đặt hàng sau khi sản xuất, nghiệm thu, tham gia giải thưởng rồi… cất kho. Một số được ra rạp hay phát sóng trên truyền hình cũng rất lặng lẽ. Nhiều hãng phim viện dẫn lý do kinh phí chỉ tập trung cho khâu sản xuất, đến khi hoàn thành, ngân sách cho quảng bá rất thấp. Trong tham luận lấy ý kiến góp ý Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại diện Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng nêu thực tế: “Chưa có quy định về tỷ lệ, thời gian phát phim tài liệu, khoa học trên truyền hình. Sản xuất xong, hãng tự tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua phát sóng trên đài truyền hình trung ương và địa phương, tuần phim, chiếu phim lưu động…”.

Từ thực trạng nói trên, ông Lý Quang Trung đưa ra phân tích ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, với các đơn vị nhà nước, mục đích sản xuất chủ yếu cho tuyên truyền, ít khi tính đến kinh doanh, lợi nhuận để đầu tư cho công tác quảng bá nhằm thu hút lượng người xem cao. Do đó, việc này lâu nay ít được quan tâm và chậm hơn so với đơn vị tư nhân. Về mặt kinh phí quảng bá, ông thừa nhận chưa được đầu tư nhiều. “Thậm chí còn có tâm lý coi thường quảng bá. Phim nhà nước sản xuất, phát sóng ai cũng phải coi, không cần đi tìm hay thuê quảng bá giới thiệu”, ông Quang Trung cho hay. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, những suy nghĩ như trên là sai lầm. Bà Trần Thị Thu Hiền nhấn mạnh: “Đối với những sản phẩm điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, việc phổ biến, tuyên truyền, quảng bá rất quan trọng. Những tác phẩm đó đến được càng gần, càng quen thuộc với khán giả thì việc thực hiện nhiệm vụ chính trị càng cao”. Dù đã đạt những hiệu quả nhất định, bà Thu Hiền cho biết hãng tự đánh giá công tác quảng bá chưa tiếp cận được tốt nhất với đối tượng khán giả nhí, cần có những hoạt động truyền thông hiệu quả hơn.  

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, việc phổ biến phim hiện nay có nhiều thuận lợi. Nhiều phương tiện truyền thông đã phát huy khả năng để truyền tải thông tin chính xác, hiệu quả đến khán giả. Ngoài phương thức truyền thống là truyền hình, các mạng xã hội như Facebook, YouTube là kênh thông tin hiệu quả nếu các hãng phim chịu khó vận động, thay vì chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí được cấp.

Góp ý Luật Điện ảnh (sửa đổi), bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, đề xuất cần có cơ chế ưu tiên, chính sách đầu tư việc tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị các phim nhà nước đặt hàng để nâng cao hiệu quả xã hội. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhấn mạnh, làm phim không phải chỉ có mỗi đạo diễn, diễn viên và quay phim. Nền công nghiệp điện ảnh hiện nay đòi hỏi phải có cả một hệ sinh thái đi kèm, trong đó quảng cáo - truyền thông là bộ phận không thể tách rời.

Tin cùng chuyên mục