Quảng Nam: Nhiều thủy điện xả tràn lưu lượng lớn

Từ khuya hôm qua đến chiều nay 2-11, nhiều đập thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiến hành xả tràn kết hợp cùng mưa lớn khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị cô lập do sạt lở.
Quảng Nam: Nhiều thủy điện xả tràn lưu lượng lớn

(SGGPO).- Từ khuya hôm qua đến chiều nay 2-11, nhiều đập thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiến hành xả tràn kết hợp cùng mưa lớn khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị cô lập do sạt lở.

Nhiều thủy điện xả tràn đón lũ

Liên tiếp 3 ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn trên diện rộng, lượng nước về các hồ chứa thủy điện rất cao, chính vì vậy, lãnh đạo một số nhà máy thủy điện trên địa bàn xin phép Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho phép xả tràn để tạo dung tích đón lũ.

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, mưa lớn xuất hiện ở một số địa phương như Trà My, Phước Sơn, Ái Nghĩa… Hiện nay, mực nước trên các Sông Vu Gia – Thu Bồn đang ở mức báo động I và có khả năng tăng lên do các thủy điện xả lũ.

Do mưa lớn, lượng nước về hồ cao nên Thủy điện Sông Bung 4 đã xả tràn từ 23h45 ngày 1-11 với mức xả 377m³/giây.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, lượng nước về hồ thủy điện Sông Bung 4 trong sáng ngày 2-11 là 788m³/giây, các tổ máy đã chạy với mức tiêu thụ là 170m³/giây, như vậy tổng xả của thủy điện này 547m³/giây. Do lượng nước về hồ thủy điện Đăk Mi4 trong sáng ngày 2-11 là 900m³/giây, nên lãnh đạo nhà máy thủy điện Đăk Mi4 đã xin ý kiến của lãnh đạo tỉnh xả lũ vào lúc 14h ngày 2-11 với mức xả từ 900m³/giây đến 2.400m³/giây nhằm mục đích đưa mực nước hồ về mực nước dâng bình thường trước lũ (cao trình 255m).

Ông Trương Xuân Tý, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết đây là đợt mưa lũ lớn nhất từ đầu năm 2016. Để hài hòa lợi ích giữa tích nước phát điện, đảm bảo an toàn đạp và trữ nước phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp cũng như phục vụ sinh hoạt, lãnh đạo các nhà máy thủy điện cần tính toán thật kỹ để tránh tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.

QL 40B bị đứt, huyện Nam Trà My bị cô lập

Trong khi đó, do mưa lớn kéo dài khiến tuyến đường QL40B (trước đây là tỉnh lộ ĐT616) đoạn qua xã Trà Mai, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị đứt hoàn toàn.

Tại điểm sạt lở này, mặt đường QL40B bị sạt lở taluy âm, toàn bộ mặt đường bị cuốn trôi khoảng 100m. Đây là tuyến đường duy nhất nối huyện Nam Trà My với bên ngoài nên khi tuyến đường bị sạt lở, cả huyện Nam Trà My bị cô lập.

QL40B bị đứt 100m do sạt lở, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) bị cô lập hoàn toàn. Ảnh: CTV

Sạt lở cũng làm đứt tuyến cáp thông tin khiến hai mạng di động Mobifone và Vinaphone tại huyện Nam Trà My bị tê liệt. Hàng ngàn người dân sử dụng hai mạng di động này bị mất liên lạc hoàn toàn.

Trao đổi với PV SGGP, Trung tá Nguyễn Xuân Thìn, Phó trưởng Công an huyện Nam Trà My, người trực tiếp có mặt ở hiện trường nơi sạt lở QL40B cho biết, một đoạn đường dài chừng 100m tại khu vực Suối đôi và Thác 5 tầng (xã Trà Mai) đã bị cuốn trôi do sạt lở. Trong khi đó, hàng ngàn mét khối đất đá ở taluy dương cũng đổ ập xuống mặt đường tại những điểm còn lại. Giao thông tê liệt hoàn toàn.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thìn, phải mất ít nhất 1 tháng giao thông nơi đây mới có thể được khắc phục vì hiện nay Nam Trà My mới vào đầu mùa mưa.

Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục