Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, báo cáo với Bộ trưởng về tình hình giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 671 trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và phổ thông, trung tâm GDNN-GDTX, có 360 trường đạt chuẩn quốc gia. Trong nhiều năm qua, UBND tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, toàn ngành có 7.580 phòng học.
Đối với giáo dục phổ thông dân tộc bán trú, tỉnh thành lập 17 trường và 6 trường THCS DTNT vì còn khó khăn về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất. Số học sinh dân tộc thiểu số toàn tỉnh là 50.402 em. Nhìn chung, các trường học hoạt động hiệu quả như bố trí đủ chỗ ăn, ở, sinh hoạt, học tập…
Bên cạnh những nỗ lực đạt được, nguồn lực đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế của ngành giáo dục, phòng học cho giáo dục mầm non còn thiếu. Tính đến ngày 31-12-2017, toàn tỉnh vẫn còn 602 học sinh bỏ học, còn 229 phòng học tạm, nguyên nhân chính các em bỏ học là do học yếu nên chán nản, một bộ phận học sinh miền núi theo cha mẹ đi rẫy.
Hiện nay, qua tổng hợp nhu cầu của ngành giáo dục Quảng Ngãi, tổng kinh phí cần bố trí để chống xuống cấp, duy trì trường đạt chuẩn quốc gia, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trường, lớp học giai đoạn 2017-2022 là hơn 3.342 tỷ đồng, trong đó, danh mục công trình trong kế hoạch vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 đã bố trí 1.215 tỷ đồng, phần còn lại, UBND tỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, bổ sung danh mục công trình chưa có trong kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2022 của tỉnh là hơn 2.126 tỷ đồng
Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho biết, nhiều năm qua, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia được tỉnh quan tâm, nhưng cũng tồn tại thách thức trong việc giữ chuẩn, nâng cao công tác quản lý giáo dục đội ngũ thầy cô giáo. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi với hơn 165.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng trường nội trú bán trú là điều cần được ưu tiên trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, theo cha mẹ làm nương rẫy.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi, chia sẻ với những khó khăn và thống nhất các định hướng của tỉnh Quảng Ngãi trong quá trình thực hiện. “Với truyền thống hiếu học của tỉnh, đặc biệt với sự quyết tâm vượt qua những thách thức với một tỉnh có xuất phát điểm thấp so với các tỉnh khác. Tỉnh Quảng Ngãi có những đột phá trong phân luồng đầu tư, phân luồng giáo dục, đặc biệt là cử học sinh đi đào tạo nước ngoài” - Bộ trưởng cho biết.
Riêng về định hướng giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước hết các bậc học, với mầm non chủ trương xã hội hóa để giảm thiểu khó khăn vật chất, giáo viên, chất lượng giáo dục… Và trong các cấp bậc tiểu học, trung học phổ thông, các cán bộ giáo dục cần quan tâm, quản lý đến đạo đức lối sống học sinh sinh viên, tác động nhà trường, gia đình xã hội trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển.
Cuối cùng, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi tập trung chuẩn bị triển khai chương trình sách giáo khoa mới và tham gia viết chương trình địa phương sẽ có hướng dẫn cụ thể. Đến năm 2019 sẽ triển khai áp dụng lớp 1, sau đó thực hiện theo lộ trình để các bậc học không bị dàn trải.