Quảng Ngãi: Tưởng niệm 40 năm thảm sát Sơn Mỹ

Quảng Ngãi: Tưởng niệm 40 năm thảm sát Sơn Mỹ
  • 17 hãng thông tấn quốc tế đến dự
Quảng Ngãi: Tưởng niệm 40 năm thảm sát Sơn Mỹ ảnh 1

Đại diện các bộ, ngành T.Ư đặt vòng hoa tưởng niệm tại tượng đài Tưởng niệm thảm sát Sơn Mỹ

Sáng 16-3, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ VN tỉnh Quảng Ngãi cùng đông đảo người dân xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, thân nhân những người còn sống sót sau vụ thảm sát 16-3-1968; trên 200 bạn bè quốc tế đến từ Nhật Bản, Mỹ, Pháp; trên 30 hãng thông tấn báo chí (trong đó có 17 hãng quốc tế)... đã đến dự lễ tưởng niệm 40 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ (16-3-1968 – 16-3-2008), dâng hương, đặt vòng hoa viếng 504 thường dân vô tội bị lính Mỹ sát hại.

Đúng vào sáng sớm ngày này cách đây 40 năm, một nhóm quân nhân Mỹ (Đại đội Charlie thuộc Lữ đoàn bộ binh 11) dưới sự chỉ huy của thiếu úy 24 tuổi William Calley nhận nhiệm vụ chiếm đóng làng Sơn Mỹ và truy tìm du kích. Không tìm thấy các chiến sĩ du kích, các binh lính Mỹ đã hãm hiếp phụ nữ và bắn chết gần như tất cả dân cư của làng Tư Cung và Mỹ Lai với 504 thường dân, trong đó 183 phụ nữ, 172 trẻ em, 89 đàn ông dưới 60 tuổi và 60 người già...

Lễ tưởng niệm là dịp để mọi người tề tựu cùng nhau nhắc lại nỗi đau, mất mát mà người dân Sơn Mỹ đã trải qua suốt 40 năm qua. Qua đó, nhắc nhở nhân dân Sơn Mỹ nói riêng, Quảng Ngãi và cả nước nói chung, nhất là thế hệ trẻ luôn nhớ đến những mất mát hy sinh, ghi nhớ lịch sử để không ngừng phấn đấu vươn lên góp phần bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước cùng nhân dân thế giới phản đối chiến tranh, gìn giữ và chung sống trong hòa bình.

Hà Minh

Vụ thảm sát Sơn Mỹ đã được quân Mỹ lên kế hoạch kỹ lưỡng

Trang điện tử BBC Radio 4 cho biết, những gì dư luận thế giới được biết đến về “vụ Thảm sát ở Sơn Mỹ (Mỹ Lai) chủ yếu thông qua vụ xử trước tòa án binh viên trung úy William Calley trong các năm 1970-1971 và là người duy nhất bị kết án phạm tội ở Mỹ Lai, một làng thuộc xã Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Nhưng vụ thảm sát này không chỉ đơn thuần là những hành vi của nhóm lính bất trị gây ra, nó là cuộc bắn giết được “lên kế hoạch” cẩn thận với mục tiêu “giết càng nhiều càng tốt”.

Trước vụ xử W.Calley, quân đội Mỹ đã có cuộc điều tra riêng về cuộc thảm sát. Cuộc điều tra mang tên The Peers Inquiry (theo tên Tướng William Peers) đã xem xét nhiều chứng cớ được giữ kín trong nội bộ Lầu Năm góc từ tháng 12-1969 đến tháng 3-1970. Kết quả cuộc điều tra khiến quân đội Mỹ “vô cùng bối rối” và khối lượng băng ghi âm kéo dài khoảng 400 giờ đã “bị chuyển sang chế độ bảo mật” cho tới bây giờ.

Sau gần 40 năm bị quên lãng, chương trình của đài BBC Radio 4 đã phát sóng những đoạn quan trọng nhất của các cuốn băng. Đây là lần đầu tiên, công chúng được nghe lời khai của những người can dự và được biết toàn bộ chi tiết các hoạt động của quân đội Mỹ tại nơi xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16-3-1968.

Các cuốn băng trong cuộc điều tra The Peers Inquiry chứng minh rằng các quân nhân Mỹ đã cưỡng hiếp và sát hại hàng trăm thường dân không chỉ ở 1 làng mà là ở 3 ngôi làng trong ngày hôm đó. Băng ghi âm cũng chứng minh sự can dự của 2 đại đội quân Mỹ, chứ không chỉ đại đội Charlie đầy tai tiếng đó. Bằng chứng cũng nói rõ rằng lệnh “Không để ai sống sót” là do các sĩ quan chỉ huy đưa ra. 

V.ANH

Tin cùng chuyên mục