
Sau thành công rực rỡ của đêm “Huyền thoại cõi Trường Sơn” được tổ chức vào dịp 27-7 năm 2004 tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, nhiều người bắt đầu hiểu rằng ở Quảng Trị, ngoài tiềm năng du lịch DMZ (vùng phi quân sự), còn có một sản phẩm du lịch khác thu hút được nhiều du khách, đó là du lịch hoài niệm, tìm về chiến trường xưa. Ngày 22 và 23-7-2005, tại Quảng Trị, Tổng cục Du lịch và Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức hội thảo “Du lịch hoài niệm chiến trường xưa”.
- Vùng đất thiêng liêng

Sau chiến tranh, chiến trường Quảng Trị có đến 72 nghĩa trang liệt sĩ (nhiều nhất trong cả nước), trong đó có hai nghĩa trang quốc gia quy tụ mỗi nơi hơn 10 ngàn liệt sĩ. “Đó là những nơi mà khi đến tham quan du khách sẽ cảm nhận một nỗi niềm xúc động trào dâng khó tả”, bác Nguyễn Văn Vũ, một đại tá về hưu sống ở TPHCM, không năm nào không trở lại thăm Quảng Trị, nói. Vượt ngàn cây số về lại chiến trường xưa, bác đi vòng quanh nghĩa trang, thắp hàng ngàn nén hương cho đồng đội.
Năm qua, ngành du lịch Quảng Trị đã đón 100.000 lượt khách trong và ngoài nước về thăm lại chiến trường xưa. Nhiều người gọi đó là những chuyến du lịch tưởng niệm... Nói như du khách Trần Quang Việt: “Bây giờ, có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ đường 9, thắp cho các anh một nén nhang tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng vô cùng, như đã làm được một điều gì cho người đã nằm xuống trên đất này”.
- Bốn điểm nhấn
Vấn đề là, trong 400 di tích chiến tranh cách mạng và lịch sử tại Quảng Trị nên chọn những điểm nhấn nào để giới thiệu với du khách cho ấn tượng? Theo các nhà du lịch, bốn điểm nhấn quan trọng của du lịch hoài niệm tại Quảng Trị là Di tích Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ đường 9 và khu Di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương.
Ông Lê Hữu Phúc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - nhấn mạnh: “Mời gọi du khách trong và ngoài nước về thăm các nghĩa trang liệt sĩ cũng như những di tích chiến tranh cách mạng nổi tiếng đã được tôn tạo trang nghiêm trên địa bàn là thế mạnh của Quảng Trị. “Du lịch hoài niệm về chiến trường xưa” sẽ là thương hiệu độc đáo của tỉnh Quảng Trị trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 này”.
LAM KHANH