Quê dừa nghĩa nặng tình thâm

Quê dừa nghĩa nặng tình thâm

1. Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ, câu thơ mở đầu trong bài thơ Dừa ơi của nhà thơ Lê Anh Xuân luôn gợi ký ức ngọt mát và sức sống mãnh liệt của ba dãy đất cù lao được bao bọc bởi sông Cửa Đại, sông Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên. Bến Tre, miền quê bình dị ấy suốt những năm tháng chiến tranh và sau ngày hòa bình thống nhất luôn được nhắc đến như biểu tượng của tinh thần quật khởi. Từ cuộc Đồng Khởi năm 1960, mở đầu cho phong trào cách mạng miền Nam, đến những năm khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương.

Giờ đây, từ TPHCM về đến Bến Tre chỉ mất hơn 2 giờ. Cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông đã nối liền cù lao Minh, cù lao Bảo. Sắp tới đây là cầu Cổ Chiên, sẽ nối miền quê sông nước này với các tỉnh ven biển phía Tây Nam bộ. Về Bến Tre bây giờ, đi đâu đường sá cũng khang trang, không còn bóng dáng một cây cầu khỉ. Khí thế làm ăn, vươn lên thoát nghèo, phấn đấu làm giàu của người xứ dừa lúc nào cũng hừng hực. Cuối năm 2014, Bến Tre đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, một kỳ tích!

Thành quả ấy, tất nhiên không tự dưng mà có được. Vì sao một vùng đất có hơn 35.000 anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; 2.610 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, hàng chục ngàn thương binh (đứng thứ nhì cả nước, sau Quảng Nam) lại có sức sống mãnh liệt đến vậy? Vì sao một tỉnh đò giang cách trở, bốn bề sông nước lại làm được 1.519km đường giao thông nông thôn và xây dựng 1.240 cây cầu chỉ trong thời gian 5 năm? Câu trả lời, không gì hơn là tinh thần đoàn kết, sức phấn đấu vươn lên theo tinh thần “Đồng Khởi mới”.

Câu chuyện xóa cầu khỉ, làm lộ giao thông nông thôn của Bến Tre bắt đầu từ cuối thập niên 1990. Lúc đó, ông Huỳnh Văn Be (anh ba Phương Hùng), là Đại tá, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chuyển sang làm Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Cùng với Đảng bộ và chính quyền địa phương, ông Huỳnh Văn Be đã lặn lội xuống cơ sở, tìm hiểu và vận động nhân dân. Mùa mưa, ông tự mình đi xuống vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa bằng xe gắn máy để nghe dân và xem xét nên làm đường bê tông hay đường nhựa. Quan điểm của ông là bằng mọi cách phải làm đường kiên cố, có ít làm ít nhưng làm đến đâu chắc ăn đến đó. Theo ông, với đường huyện, đường xã phải nâng cấp mở rộng, cán đá, trải nhựa 100%; đường ấp thì láng xi măng hoặc trải đá dăm, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng; với cầu phải đảm bảo cho xe tải nhỏ, xe 4 chỗ lưu thông được trên các tuyến liên xã và xe 2 bánh lưu thông được trên các tuyến liên ấp. Thời điểm đó, có khá nhiều người không đồng tình với ông vì biết lấy tiền ở đâu ra mà làm, trong khi Bến Tre là một tỉnh nghèo… Suy nghĩ mãi, cuối cùng ông cũng tìm được lối ra: Huy động sức dân theo tỷ lệ đường liên ấp, liên xã, Nhà nước góp 50%; đường huyện và đường đến trung tâm xã, Nhà nước góp 70%. Người dân đóng góp theo diện tích đất nông nghiệp và đóng theo đầu xe gắn máy mỗi gia đình hiện có.

Người dân Đồng Khởi nghe phổ biến xong, ai cũng thông, nhiều người trong diện không phải đóng góp cũng xin được đóng góp. Nhiều người còn hiến đất, tặng xi măng. Làm đường nông thôn trở thành phong trào thi đua với khí thế và quyết tâm rất cao. Bến Tre cũng ra mắt “Hội cầu đường” có một không hai do ông Nguyễn Văn Y, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh lãnh đạo. Nhờ vậy, giao thông nông thôn ở Bến Tre đã cải thiện đáng kể, giải phóng hàng hóa nông sản, mang về điện khí hóa, “xe đạp đến nhà, honda đến ngõ” tạo ra sức phát triển đáng kể cho vùng quê nghèo.

Nông thôn Bến Tre ngày nay.

2. Ký ức tuổi thơ của bất kỳ ai đều có bóng dáng quê hương và người thân, đó là hành trang mỗi người mang theo suốt cả cuộc đời. Tôi cũng vậy. Đi xa quê hương, ngày càng lớn thêm, câu hỏi trong đầu luôn là vì sao Bến Tre lại có sức sống mãnh liệt đến vậy? Tôi nhớ bà ngoại tôi, một người phụ nữ mảnh khảnh, nhỏ nhắn như bao nhiêu phụ nữ Nam bộ khác. Bà ngoại tôi từ cù lao Long Thành ở Giồng Trôm theo chồng về làng Bình Khánh, Mỏ Cày. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông ngoại tham gia Hội Nông dân đỏ. Một lần có việc phải sang Trà Vang (Trà Vinh), ông gói theo cái bòng một bộ bài Tây và cây súng lục. Bị chỉ điểm, giặc bắt, ông quăng cây súng, giữ lại bộ bài, giả dạng dân chơi miệt vườn nhưng cũng không thoát. Ông bị đánh dã man đến độ chỉ còn nằm liệt một chỗ, bà ngoại tôi khăn gói sang Trà Vinh rước về.

Từ đó, một mình bà ngoại nuôi cả chục đứa con. Cậu thứ ba vào du kích; cậu thứ năm mới 15 tuổi đã theo bộ đội, vào khu 8. Vài năm sau, cậu thứ tư thoát ly ra rừng miền Đông, dì thứ sáu (có chồng là liệt sĩ) cũng tham gia cách mạng ở địa phương… Những năm trước Đồng Khởi, giặc càn phá quyết liệt, o ép vào khu trù mật nhưng ngoại vẫn quyết bám dải đất dọc sông Hàm Luông.

Lúc sinh thời, ngoại kể: “Thời bác Ba Lê Duẩn về đây, cả xóm lo nuôi dưỡng, nhất là giai đoạn bác Ba bị bệnh”. (Đó là chuyện sau này mới biết thôi chứ lúc ấy người dân không ai biết đó là bác Ba Lê Duẩn đâu!). Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre, trước năm 1960, bác Lê Duẩn về Bình Khánh chuẩn bị cho Nghị quyết 15. Không may trong thời gian đó, bác bị bệnh nặng. Người dân trong vùng vừa che mắt địch, vừa nuôi giấu bác dưới hầm bí mật. Nhờ sự đùm bọc, chở che đó, mà Nghị quyết 15 mới xác định chọn 3 xã Định Thủy, Bình Khánh và Phước Hiệp nổ phát pháo Đồng Khởi đầu tiên.

Lại có lần giặc càn qua, thấy có mỗi bà già lui cui trong nhà, đám lính quát: “Ê, bà già, ở đây che giấu Việt Cộng hả? con bà đâu?”, ngoại tôi bình tĩnh trả lời: “Đất đai mồ mả ông bà ở đây thì bỏ đi đâu? Con tôi đi kháng chiến hết rồi!”. Thấy tụi nó làm thinh, ngoại lấn tới: “Ai biểu mấy cậu cầm súng bắn giết dân làng, con tôi cũng phải đi cầm súng chống lại chớ!”. Rồi ngoại bảo: “Thôi vô đây nghỉ, tôi nấu cơm cho ăn. Mấy cậu có cha mẹ không, cha mẹ mấy cậu chắc giống tôi chứ gì!”. Tụi lính thôi càn, đóng quân ở lại đó rồi rút êm…

Những năm tháng đó, phong trào cách mạng cứ hừng hực. Phụ nữ thường xuyên kéo nhau lên quận, lên tỉnh đấu tranh, đòi thả tù chính trị, đòi tháo đồn bốt, không được bắn phá ruộng vườn, nhà cửa… Không biết bao lần, những người phụ nữ Bến Tre như ngoại tôi phải đối mặt với đàn áp, đánh đập, nhưng vẫn kiên gan bám trụ. Biết bao lần đào hầm che giấu bộ đội, trổ đủ thứ “ngón nghề” để che mắt quân thù, nuôi dưỡng cách mạng. Vậy mà, sau khi hòa bình lặp lại, rất nhiều người, trong đó có ngoại tôi, đã từ chối làm bảng kê khai thành tích kháng chiến. Ai cũng nghĩ đó là bổn phận của mình thời đất nước ly loạn, chỉ mong sao hết cảnh bom rơi đạn lạc, con cháu đoàn viên, cuộc sống ấm no hạnh phúc!

3. Đất Bến Tre đậm nghĩa tình - đó là nhận định của nhiều đồng chí lãnh đạo TPHCM mỗi lần có dịp về thăm xứ dừa. Theo “Hồi ký căn cứ kháng chiến Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”, sau tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Mỹ - ngụy đã không trừ loại bom, đạn nào, phản kích quyết liệt. Chúng tăng cường hành quân càn quét, dùng phi pháo từ máy bay lên thẳng dội xuống đánh phá khốc liệt bất cứ mảnh đất nào mà nghi ngờ có lực lượng cách mạng trú đóng. Tháng 6-1969, sau khi thống nhất giữa Ban Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre, cơ quan lãnh đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chuyển về đóng tại xã Tân Phú Tây (hiện nay thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Đây là vùng mới giải phóng, nhân dân rất kiên cường, phần lớn bà con có giác ngộ chính trị cao, địa hình lại rất hiểm trở, nhiều kênh rạch chia cắt, có nhiều vườn dừa liên tiếp che chắn, ngụy trang, cho nên địch không thể hành quân bằng xe cơ giới, thiết giáp, kể cả việc dùng máy bay lên thẳng đổ quân cũng có nhiều hạn chế để phát hiện.

Bên trong khu căn cứ này, ta thiết lập hàng chục hầm kiên cố có khả năng chịu đựng được pháo 105 ly, những công sự chiến đấu và hệ thống hầm bí mật, chỗ làm việc của lãnh đạo Khu ủy, nơi dành cho các cuộc hội nghị, cơ sở hậu cần, bảo vệ... Ở vòng ngoài là hành lang bảo vệ và đầu mối liên lạc, gồm các xã chung quanh, như: Thành An, Hòa Lộc, Thạnh Ngãi, Phước Mỹ Trung… Bà con nơi đây đều có ý thức bảo vệ bằng mọi giá cho sự an toàn khu căn cứ quan trọng này của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Trong thời gian khu căn cứ đóng tại đây, bọn gián điệp và do thám của địch cũng đã đánh hơi biết được cơ quan đầu não của Sài Gòn - Gia Định đang đóng tại vùng đất này, cho nên đã tung lực lượng thăm dò, tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét, bắn phá, nhưng trước tấm lòng trung kiên của người dân Bến Tre, mọi âm mưu và hành động xâm lược của chúng đều bị bẻ gãy. Từ cơ quan Khu ủy Sài Gòn - Gia Định những năm chiến tranh ác liệt, bao quyết sách, chủ trương của một trung tâm đầu não ở miền Nam đã được ra đời…

Sau chiến tranh, di tích bị bom đạn của địch xóa sạch. Để lưu giữ lại dấu tích của một thời chiến đấu gian khổ, hào hùng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo ngành văn hóa - thể thao và du lịch của tỉnh phục chế lại hai hầm trú ẩn bằng bê-tông, thân cây dừa và dựng bia lưu niệm tại xã Tân Phú Tây. Di tích Khu căn cứ của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tại Bến Tre đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1995. Nhiều lần về thăm lại khu căn cứ, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM luôn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến chính quyền, nhân dân ở Bến Tre đã một lòng với cách mạng, sẵn sàng hy sinh xương máu để che chở, đùm bọc, nuôi giấu cán bộ Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong kháng chiến.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục