Quê nhà ngóng tin

Quê nhà ngóng tin

Ông Nguyễn Lý Luận, Trưởng Công an xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, địa phương đã nắm được thông tin trên địa bàn xã có 2 thuyền viên Thiều Đình Thưởng (28 tuổi, ở thôn Đồng Tiến) và Nguyễn Đình Ngà (25 tuổi, ở thôn Quảng Ích) làm việc trên tàu đánh cá Hsiang Fuh Far của Đài Loan bị mất tích ngoài khơi biển Nhật Bản. Nhưng vẫn chưa có thông báo chính thức từ phía chủ lao động và nhà môi giới.

Ngồi thất thần bên góc giường trong nhà, bà Hồ Thị Hương (52 tuổi, mẹ của anh Thiều Đình Thưởng) thều thào nói: "Sáng 12-10, nhà môi giới lao động có tới thông báo việc Thưởng cùng 2 thuyền viên khác bị mất tích ở ngoài khơi biển Nhật Bản, hiện chưa rõ tình hình thế nào. Khi nghe tin dữ, tôi như chết lặng, khóc cạn nước mắt, không thiết tha ăn uống gì nữa, giờ chỉ cầu mong sao cho con tai qua nạn khỏi". Theo bà Hương, 4 tháng trước, gia đình vay 21 triệu đồng để Thưởng làm thủ tục sang lãnh thổ Đài Loan lao động với mức lương khoảng 8,5 triệu đồng/tháng. Theo quy định, sau 4 tháng làm việc sẽ được chủ lao động thanh toán tiền một lần, nhưng gần đến thời hạn thì Thưởng lại gặp nạn.

Cách nhà bà Hương khoảng 1km là nhà anh Nguyễn Đình Ngà (25 tuổi, ở thôn Quảng Ích). Ngà và Thưởng là bạn thân từ nhỏ, đi xuất khẩu lao động cùng thời điểm năm 2015 và đều mất tích vào đêm 8-10. Ngà mới lập gia đình, có con gái mới 1 tuổi và đang sống cùng bố mẹ. Theo bà Phạm Thị Hương (51 tuổi, mẹ anh Ngà), mấy ngày qua gia đình liên tục nhận được hung tin Ngà mất tích, chưa biết sống chết thế nào. "Khi Ngà đi xuất khẩu lao động, gia đình vay 30 triệu đồng tiền tín dụng. Sang đến Đài Loan, Ngà gọi điện về báo việc làm rất vất vả, nhiều khi phải thức trắng đêm", bà Hương lo lắng.

Mẹ và vợ con của thuyền viên Nguyễn Đình Ngà lo lắng về tính mạng của anh Ngà

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Tương, Phó phòng LĐTB-XH huyện Kỳ Anh cho biết, hiện trên địa bàn huyện có hơn 8.000 lao động đang làm việc tại các nước Nhật Bản, lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc…, trong đó hơn 4.000 lao động không có giấy phép. Trước đây có nhiều trường hợp lao động sau khi sang nước bạn rồi bỏ trốn. Cái khó trong việc quản lý là có một số lao động trực tiếp làm việc với các công ty môi giới xuất khẩu lao động rồi tự đi, do vậy khi xảy ra vụ việc gì, chính quyền địa phương không tiếp cận được thông tin, ông Tương cho biết.

Trước đó, lúc 23 giờ 30 ngày 8-10, có 3 thuyền viên người Việt Nam làm việc trên tàu đánh cá Hsiang Fur Far của Đài Loan đã nhảy xuống biển Nhật Bản ở vị trí cách cảng Shiraoi, tỉnh Hokkaido khoảng 12km. Tàu Hsiang Fuh Far xuất phát từ Cao Hùng (Đài Loan) tới Tomakomai, gần Hokkaido để tránh bão Mujigae thì xảy ra vụ việc. Tàu Hsiang Fuh Far nặng 985 tấn, có 61 thuyền viên gồm 3 người Đài Loan, 21 người Việt Nam, 14 người Indonesia và 23 người Philippines.

Hiện Đại sứ quán Việt Nam và Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đang nỗ lực làm việc với các cơ quan chức năng để phối hợp tìm kiếm 3 thuyền viên mất tích này.

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục