Trước đó là trình tường bằng đất. Trước nữa dĩ nhiên là lều lán xây dựng bằng cây, que, gỗ lạt.
Miền núi phía Bắc là nơi tập trung những dãy núi đá vôi kéo dài vào đến tận miền Trung. Đó là nguồn nguyên liệu khổng lồ dùng để nung vôi rất chất lượng. Miền Nam phải dùng vỏ sò, vỏ điệp khai thác ở các mỏ nguyên sinh hoặc thu nhặt ven bờ biển để nung vôi. Cho đến tận những năm 90 thế kỷ trước, vôi vẫn là vật liệu xây dựng quan trọng bậc nhất. Nó không chỉ dùng để trộn vữa xây nhà mà còn là vật liệu để tô điểm cho ngôi nhà mới xây xong.
Thợ quét vôi ở nông thôn thường giao cho những người mới học việc bởi ngôi nhà nông thôn thường rất đơn giản. Ngoài bốn bức tường ra không còn nhiều chỗ để quét vôi. Mái ngói không có trần nên việc quét vôi bên trong hoàn toàn không cần thiết. Ở thành phố, thợ quét vôi là những người hết sức lành nghề. Thậm chí là linh hồn của toán thợ xây dựng vì nhờ có họ ngôi nhà mới hiện lên hết vẻ đẹp nuột nà của nó.
“…Tay đưa chổi nhanh nhanh/ Bên những tầng nhà mới/ Trong những căn phòng cưới/ Em thích màu da trời…” (Em là thợ quét vôi - Đỗ Nhuận) là bài hát được nhiều người yêu thích thời chiến tranh chống Mỹ ở miền Bắc. Lúc ấy vừa sẵn sàng chiến đấu cũng vừa phải xây dựng và khắc phục những công trình trong Hà Nội bị đánh phá. Thợ quét vôi lúc này gọi là công nhân xây dựng nằm trong biên chế nhà nước. Lũ trẻ Hà Nội vô cùng khâm phục mấy người thợ quét vôi lành nghề hàng năm quét lại vôi mặt tiền ga Hàng Cỏ. Họ nối vài ba chiếc thang vào nhau cao chót vót và sẽ trèo lên đứng trên ấy làm việc suốt ca không nghỉ. Vôi nước màu vàng đất có người pha ở dưới và tự kéo lên. Quét hết một tầm chổi tự làm động tác nhấc thang ra khỏi mặt tường dịch sang bên hàng mét mà không cần trèo xuống. Động tác chính xác nhưng không kém phần mạo hiểm.
Nhà mặt phố hàng năm cũng được nhà nước tổ chức quét vôi miễn phí toàn bộ. Màu chủ đạo của thành phố chỉ là vàng đất và trắng. Những mảng tường lớn quét vàng. Gờ chỉ và những hình trang trí trên trán nhà quét trắng. Không một ai dám tự động chọn màu sắc cho ngôi nhà của mình dù lúc ấy không cấm đoán gì cả. Mọi màu vôi khác người ta sử dụng trong nhà có thể tùy chọn. Cũng chủ yếu có hai màu vàng đất và xanh cây sáng mà thôi. Vài người có óc thẩm mỹ và cầu kỳ hơn có thể mua than quả bàng về lọc lấy nước pha vào thùng vôi thành màu xám nhạt sang trọng. Trần nhà luôn quét vôi trắng. Dùng màu vôi bên dưới mà bật mực cổ trần. Chỗ này đòi hỏi thợ cao tay nghề mới kéo được một đường thẳng suốt vòng quanh bốn bức tường. Thợ quét vôi chuyên nghiệp mỗi người có kỹ thuật bó chiếc chổi đót của riêng mình. Chỉ thợ học việc mới dùng chổi người khác bó. Nó không dễ là bởi kỹ thuật sắp nhánh đót phải làm sao cho vôi chảy mịn màng để quét những chi tiết kỹ. Kỹ thuật vặn lạt và giấu đầu dây phải chắc chắn quét mòn chổi cũng không bị tuột. Chổi quá nhỏ quét sẽ lâu kín tường. Quá to chóng mỏi tay.
Thành phố không chỉ quét vôi nhà cửa mà thôi. Người ta còn phải quét cả những công trình công cộng. Quét vôi hàng đá bó vỉa hè và gốc cây mỗi dịp sắp tết. Đền chùa miếu mạo quanh phố cũng thường được quét vôi để đón xuân. Dịp tết là lúc thành phố như được thay áo mới. Những hàng cây cổ thụ ven đường quét trắng phần gốc đều tăm tắp.
Dĩ nhiên việc phát minh ra sơn nước thay thế cho vôi là hết sức thuận tiện cho cả người sử dụng lẫn công nhân xây dựng. Sơn nước có độ bền hơn vôi và phổ màu rất rộng tha hồ chọn lựa. Thế nhưng có lẽ người Việt chưa theo kịp với tiến bộ khoa học về màu sắc này. Cộng thêm tâm lý chơi trội khác người làm cho bộ mặt thành phố trở thành tam khoanh tứ đốm rất lộn xộn. Người bán gas sơn ngôi nhà của mình đỏ chót hoặc xanh lè như thương hiệu. Người bán thời trang thể thao không ngần ngại sơn đen toàn bộ mặt tiền như nhà có đám. Người nhiều tiền sẽ chọn các loại đá quí chạm khắc ốp lên mặt ngoài mang đầy tinh thần nghĩa trang tưởng niệm.
Chợt nhớ thương cái thời Hà Nội chỉ có ba màu “…Xanh vàng xanh trắng xanh xanh…” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.