Lo lắng quy định “đổi vai” trình luật
Bình luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó phương án 1 (Chính phủ đề nghị chọn, theo đó cơ quan soạn thảo luật đồng thời là cơ quan chủ trì tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý cho đến khi dự án luật được Quốc hội thông qua), ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) thẳng thắn nói: “Thực tiễn hoạt động xây dựng pháp luật trong thời gian vừa qua, tôi khẳng định 80% bộ, ngành không muốn tiếp thu ý kiến góp ý luật của ĐBQH”.
Theo ĐB Nguyễn Mai Bộ, phương án như Chính phủ chọn sẽ khiến Quốc hội rơi vào thế bị động, ảnh hưởng rất lớn đến chức năng lập pháp của Quốc hội. “Bây giờ đã có chuyện bộ trưởng gây sức ép với ĐBQH; tới đây lại giao cho cơ quan soạn thảo tiếp thu chỉnh lý (Theo quy định hiện hành là cơ quan chủ trì thẩm tra - thường là một ủy ban của Quốc hội - PV) thì rất khó để những ý kiến phản biện được tiếp thu”, ĐB Nguyễn Mai Bộ bày tỏ lo lắng.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, phương án “đổi vai” ở bước thông qua luật đã từng được đề nghị từ lâu, nhưng sau khi cân nhắc thì Quốc hội đã quyết định như hiện nay. “Nếu cơ quan chủ trì tiếp thu chỉnh lý đồng thời là cơ quan soạn thảo, nghĩa là một cơ quan thuộc Chính phủ, thì sẽ có mâu thuẫn giữa nhiệm vụ bảo vệ đến cùng ý kiến của Chính phủ và nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của Quốc hội. Và nếu cơ quan chủ trì tiếp thu lại không phải là cơ quan của Quốc hội thì rất khó định lượng ý kiến ĐBQH khi thông qua luật”, ĐB Mai Hoa phân tích.
Ví von việc khắc phục những điểm thiếu sót, bất cập trong hoạt động xây dựng pháp luật như điều trị bệnh, nếu cho uống thuốc sai thì bệnh nhẹ thành bệnh nặng hơn, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị “cải cách sửa đổi cơ cấu và hoạt động của Ban soạn thảo”. Theo đó, Ban soạn thảo phải gồm 2 nhóm chuyên gia là chuyên gia lập pháp, lập quy và chuyên gia chuyên ngành của các lĩnh vực đó. Hai nhóm chuyên gia này phải hợp tác và làm việc với nhau. Bên cạnh đó, cần tăng cường ĐBQH chuyên trách, giảm bớt đại biểu kiêm nhiệm, dành thời gian thích đáng cho công tác làm luật.
Giải trình thêm về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, mỗi nước có cách tiếp cận khác nhau về cơ quan chủ trì chỉnh lý sau khi Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất. Tuy nhiên, điểm giống nhau là không đặt vấn đề quá nặng nề về việc cơ quan nào chủ trì, tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, bởi lẽ, đây chỉ là công đoạn chủ yếu mang tính chất kỹ thuật.
“Cơ quan trình đã nghiên cứu chính sách, dự kiến giải pháp xử lý vấn đề, tính toán về tính khả thi và nguồn lực thực hiện; hầu như không có sự thay đổi lớn về chính sách hay phạm vi điều chỉnh hoặc những quy định có tác động lớn đến xã hội mà chưa được nghiên cứu trước khi trình”, người đứng đầu ngành tư pháp nhận định.
Tổng kết nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, cơ quan soạn thảo, thẩm tra “sẽ tiếp thu một cách tối đa, giải trình thuyết phục và báo cáo đầy đủ với Quốc hội”.
Tăng độ tuổi thanh niên lên 35 tuổi
Bàn về dự thảo Luật Thanh niên, tại phiên thảo luận về luật này, nhiều ý kiến của ĐBQH cho rằng, dự thảo còn “mang nặng tính tuyên truyền, hiệu triệu, hô hào”. ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho biết, bản thân đếm thấy ít nhất 25 lần cụm từ “tạo điều kiện”, 20 lần từ “hỗ trợ”, 5 lần từ “khuyến khích”, nhưng không rõ tạo điều kiện thế nào, hỗ trợ cái gì, khuyến khích ra sao. Tổ chức, cá nhân nào là người tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích và nếu không tạo điều kiện, hỗ trợ, không khuyến khích thì sẽ có chế tài xử lý ra sao… Còn trong dự thảo quy định các nghị định chi tiết thì chỉ có tên điều chứ chưa có quy định cụ thể. Như vậy, tính quy phạm của dự thảo luật không cao, tính khả thi, sự tác động của luật vào đời sống xã hội nói chung, đời sống thanh niên nói riêng sẽ rất hạn chế.
Liên quan đến các quy định cụ thể, ĐB Triệu Thanh Dung nhất trí với một số ĐB khác đề nghị nâng tuổi tối đa của thanh niên lên 35 tuổi. “Quốc hội vừa thông qua quy định nâng tuổi nghỉ hưu, nam tăng thêm 2 tuổi, nữ tăng thêm 5 tuổi, do đó, kéo dài tuổi thanh niên cũng phù hợp với thực tế và điều kiện của đất nước”. Cùng với xu thế già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm dần thì số lượng thanh niên cũng giảm dần, đặc biệt là thanh niên trong khối cán bộ công chức, viên chức đang giảm nhanh trong những năm qua. Do thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sáp nhập các cơ quan đơn vị hành chính cấp huyện, xã, dẫn đến hạn chế tuyển dụng mới, nên không có nguồn bổ sung đoàn viên, thanh niên cho khối này.
Tại phiên họp, nhiều ĐB cũng chỉ rõ, mặc dù Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hiện nay quy định đoàn viên từ 16 - 30 tuổi, nếu có nguyện vọng thì tham gia sinh hoạt đoàn đến 35 tuổi, nhưng trên thực tế đa số cơ sở đoàn trong khối Đảng, đoàn thể cơ quan hành chính nhà nước đều giữ đoàn viên sinh hoạt tới 35 tuổi. Vì nếu cho trưởng thành đúng 30 tuổi thì số lượng đoàn viên sẽ rất ít, thậm chí không đủ điều kiện để thành lập chi đoàn, phải sinh hoạt ghép với các cơ quan, tổ chức khác, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của khối này; từ đó, tác động không nhỏ tới chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn.
Đề nghị xử lý hình sự hành vi chống lại bác sĩ khi làm nhiệm vụ Tại cuộc họp nhóm đối tác y tế về tham vấn dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần đầu tiên được Quốc hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám chữa bệnh trong cả nước. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, luật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, không ít quy định chưa đảm bảo tính thống nhất, không phù hợp với quy định quốc tế. Do đó, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có nhiều nội dung được sửa đổi liên quan tới các lĩnh vực như: đào tạo chuyên khoa, phân tuyến chuyên môn, cải cách thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề... Đặc biệt trước tình trạng xảy ra nhiều vụ y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tấn công, hành hung gây bức xúc dư luận. Trong dự thảo có đưa vào quy định: người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên y tế là hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị xử lý hành chính, hình sự theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, người có hành vi vi phạm buộc phải xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại nơi cư trú, nơi làm việc hoặc tại cơ sở khám, chữa bệnh, nơi người đó có hành vi xâm phạm tinh thần, sức khỏe, tính mạng của thầy thuốc, nhân viên y tế. |