(SGGP).- Theo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Nuôi con nuôi của UBTVQH, dự thảo luật được xây dựng theo hướng chỉ cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi khi không có người trong nước nhận nuôi.
Tuy cũng có ý kiến cho rằng, điều cốt yếu là tránh cho trẻ không bị lợi dụng, xâm hại và có được người nuôi dưỡng, chăm sóc tốt chứ không nên quá câu nệ việc người nhận nuôi là người trong nước hay nước ngoài, song đa số ĐBQH thống nhất rằng, môi trường nuôi dưỡng, giáo dục tốt nhất đối với trẻ em Việt Nam chính là quê gốc của cháu bé.
Phát biểu tiếp thu ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cung cấp thông tin: “Điều này phù hợp với Công ước quốc tế La Hay về vấn đề nuôi con nuôi mà Việt Nam đã có kế hoạch gia nhập”. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng khẳng định, quy định về lệ phí và chi phí mà người nhận nuôi con nuôi cần đóng góp cũng hoàn toàn phù hợp với Công ước La Hay và “tất cả các nước có luật về nuôi con nuôi đều có quy định về mức lệ phí và chi phí”.
Bộ trưởng Tư pháp ghi nhận các ý kiến của ĐBQH một số tỉnh miền núi cho rằng, các quy định về hồ sơ, thủ tục hành chính cho - nhận con nuôi còn rườm rà và khó thực hiện đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đơn cử như việc chứng minh điều kiện kinh tế, khả năng chăm sóc... “Chúng tôi quan niệm rằng trách nhiệm chính của các cơ quan nhà nước là tìm được cha mẹ nuôi cho cháu bé, chứ không phải tìm con nuôi cho các cha mẹ nuôi. Quan trọng hơn cả là đảm bảo quyền lợi cho các cháu bé, muốn vậy thủ tục phải chặt chẽ để không bị lợi dụng”, Bộ trưởng giải thích thêm.
Liên quan đến việc xác định dân tộc cho con nuôi và đề nghị cho phép thay đổi dân tộc của cháu bé trong một số trường hợp nhất định, Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải đáp: “Luật pháp của ta không cho phép thay đổi dân tộc, vì vậy, dân tộc của cháu bé được xác định theo bố mẹ đẻ; trường hợp không thể xác định được bố mẹ đẻ (như khi trẻ bị bỏ rơi) mới xác định theo bố mẹ nuôi”.
Về nuôi con nuôi ở khu vực biên giới, các ĐB Phạm Thương Lượng (Yên Bái), Tống Văn Thoóng (Lai Châu)... yêu cầu Việt Nam cần sớm đàm phán với các nước láng giềng để thống nhất xử lý các trường hợp này cho phù hợp với pháp luật và khả thi trên thực tế.
Một số đại biểu đề nghị luật có cách thể hiện “kín kẽ” hơn để tránh trường hợp các cặp vợ chồng cố tình cho con đi làm con nuôi để sinh thêm con, vi phạm pháp luật về kế hoạch hóa gia đình.
A.PHƯƠNG
2013: Chấm dứt bù lỗ bưu chính
Chiều qua, 26-5, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bưu chính, các ĐBQH đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Các thảo luận của đại biểu tập trung vào 3 vấn đề: bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (theo hướng Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ định giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cho một tổ chức kinh tế nhà nước); cơ sở phục vụ bưu chính cấp xã.
Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp cho biết, từ trước đến nay, toàn bộ bưu chính nằm trong Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam. Phải dùng lãi của viễn thông để bù đắp cho bưu chính. Từ cuối năm 2009, Chính phủ đã tách Tổng công ty Bưu chính đứng độc lập và có lộ trình để Tổng công ty Bưu chính sớm làm ăn có lãi và chấm dứt bù lỗ vào năm 2013. Vừa qua, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ phải sớm tách bưu chính ra thành một đơn vị độc lập, không lệ thuộc vào Tập đoàn Bưu chính viễn thông nữa.
Với Luật Bưu chính viễn thông, theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp là nhằm để bưu chính làm ăn có lãi. Hiện nay Bộ TT-TT đang hỗ trợ cho bưu chính chủ yếu từ nguồn viễn thông cũng như từ nguồn quỹ viễn thông công ích. Vừa qua đã kêu gọi tài trợ được khoảng 30 triệu USD, sẽ dành đầu tư cho toàn bộ mạng bưu điện, điểm bưu điện văn hóa xã của 41 xã biên giới và các xã thuộc 62 huyện nghèo. Tương lai, sẽ phủ tiếp ở những vùng khó khăn.
Hướng đi của Việt Nam là nâng dần các giá trị dịch vụ bưu chính ngang với giá thành và tiến tới có thể cao hơn giá thành. Hiện nay, tem bưu chính có giá là 3.500 đồng/chiếc. Năm 2009, ngành bưu chính viễn thông nâng lên 2.000 đồng/chiếc, vẫn phải bù 1.500 đồng/chiếc, vì thế theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp không có ai cạnh tranh, hoặc nếu có cạnh tranh thì chủ yếu là ở đô thị, còn toàn bộ vùng nông thôn bưu chính phải làm. “Nhưng nếu đưa giá dịch vụ lên gần bằng giá thành thì sẽ có nhiều doanh nghiệp cùng cạnh tranh”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.
L.NGUYÊN