Quốc hội thảo luận về giáo dục đại học: Bức xúc và sốt ruột!

Chất lượng đào tạo quá yếu, gỡ cách nào?
Quốc hội thảo luận về giáo dục đại học: Bức xúc và sốt ruột!

Sau khi tiếp cận báo cáo của Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học (ĐH) cũng như báo cáo giải trình của Chính phủ, trọn ngày 7-6-2010, QH đã thảo luận về vấn đề này. Tâm trạng chung của các ĐBQH là bức xúc với những yếu kém kéo dài của GDĐH, “sốt ruột” với chất lượng GĐĐH nước ta và yêu cầu có những đột phá.

Sinh viên Khoa Cơ khí tự động và robot Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM trong giờ thực hành. Ảnh: MAI HẢI

Sinh viên Khoa Cơ khí tự động và robot Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM trong giờ thực hành. Ảnh: MAI HẢI

Không nên “phổ cập đại học”

Bức xúc có nguồn nhân lực chất lượng cao mà thực tiễn đang đòi hỏi, các ý kiến của ĐBQH đã thẳng thắn đề nghị QH, Chính phủ phải nhìn thẳng vào sự yếu kém của GDĐH hiện nay. Tuyệt đại đa số ý kiến đồng tình với việc QH cần ra nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, ngay tại kỳ họp này. Đối với Chính phủ, các đại biểu đề nghị kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở ĐH sau 3 năm thành lập, nếu không đáp ứng điều kiện có thể hạ cấp hoặc giải thể. Xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng GDĐH. Kiểm soát việc liên kết đào tạo… chứ không thả lỏng mọi chuyện như hiện nay.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) bức xúc vì việc, với truyền thống hiếu học của người Việt Nam, một đất nước mà gia đình nào cũng sẵn lòng nhịn ăn bỏ tiền cho con đi học; một đất nước nghèo mà dám đầu tư cho giáo dục tới 20% GDP… thế nhưng đến nay, Việt Nam chưa có nổi một trường ĐH-CĐ nào lọt vào top 200 trường ĐH mạnh của thế giới.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Minh Điền

ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng, báo cáo giám sát chỉ ra nguyên nhân còn thiếu lửa, né tránh, ngại va chạm, đặc biệt không nêu ra trách nhiệm của ai, dẫn đến hòa cả làng. Về những yếu kém của GDĐH, ĐB này cho rằng trách nhiệm thuộc về bộ chủ quản. “Bộ GD-ĐH còn ôm đồm công việc của các trường ĐH-CĐ, loay hoay phát động hết phong trào này đến phong trào khác. Có hay không việc xin xỏ, chạy chọt trong việc thành lập ĐH? Phải làm cho rõ”, ĐB Cuông đề nghị. ĐB Ngô Doãn Thanh (Hà Nội) cũng cho rằng cần nghiên cứu chính sách phát triển GDĐH hướng tới bảo đảm chất lượng, không nên “phổ cập đại học”.

Từ thực tế cấp phép thành lập trường một cách dễ dãi, hay việc các trường “vô tư” sai phạm trong tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong khi năng lực yếu kém, hầu hết các ĐB đều cho rằng Chính phủ phải kiên quyết giải thể các trường ĐH-CĐ kém chất lượng. “Nếu vẫn cứ phạt cho tồn tại thì không thể nào chấm dứt được tình trạng sản phẩm đào tạo không đáp ứng được yêu cầu xã hội; 60-70% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm đúng ngành nghề đã được đào tạo”, ĐB Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) đề nghị.

Chất lượng đào tạo quá yếu, gỡ cách nào?

Bên cạnh bức xúc về việc thành lập trường có phần dễ dãi là nỗi lo về chất lượng đào tạo hiện nay của GDĐH - nơi chịu trách nhiệm cho “ra lò” những nhân lực có trình độ, nơi đào tạo ra nhân tài của đất nước.

Theo ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), đào tạo sinh viên Việt Nam hiện nay vẫn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành. Chất lượng đội ngũ giảng viên còn thấp. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ còn thấp, thậm chí ngày càng giảm di. Chất lượng giáo trình thiếu cập nhật kiến thức mới. “Không thể chấp nhận việc thư viện ĐH vẫn còn giáo trình in từ những năm 60, trong khi các nước sau 5 năm họ lại thay giáo trình”, ĐB Cư nói.

ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) không phủ nhận những thành tích đạt được của ngành GD-ĐT trong thời gian qua, nhưng cho rằng mối quan hệ giữa lượng và chất trong GDĐH cần phải bàn lại. Theo ĐB Hồng, bộ ngành nào, địa phương nào cũng muốn thành lập trường ĐH thì thử hỏi chất lượng làm sao bảo đảm. ĐB này đề nghị Chính phủ rà soát tất cả các trường. Trường nào cần đầu tư phải được đầu tư. Trường nào cần giải thể thì cho giải thể.

Hàng loạt những bất cập trong lĩnh vực này khiến chất lượng GDĐH trong hàng chục năm qua loay hoay không có lối ra được ĐBQH chỉ rõ. Đó là vấn đề quản lý, đầu tư, là đội ngũ giảng viên, là chất lượng giáo trình...

Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh), Thứ trưởng Bộ Y tế, một nghiên cứu khoa học cách đây 13 năm đã chỉ ra rằng, để đào tạo được một cử nhân y khoa cần phải đầu tư khoảng 25 triệu đồng. Chi phí này hiện nay ước khoảng 75 triệu đồng nhưng ngân sách chỉ cấp khoảng 10 triệu đồng/sinh viên thì làm sao có sản phẩm tốt.

Còn theo ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) đội ngũ giảng viên vừa quá thiếu, vừa “quá già”, nhất là các trường ngoài công lập chủ yếu dựa vào đội ngũ giảng viên đã về hưu, ít cập nhật kiến thức khoa học mới, nhiều giảng viên mải chạy sô... là nguyên nhân khiến GDĐH Việt Nam vẫn ở điểm trũng.

Từ thực tế này, hầu hết ý kiến cho rằng cần đẩy nhanh quá trình kiểm định chất lượng GDĐH, để các trường tự giác đánh giá mình, song song với đó bộ chủ quản kiểm định, công khai kết quả để người học lựa chọn trường.

Phan Thảo – Bảo Vân


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:
Không nên bi quan về giáo dục đại học

Bên hành lang Quốc hội (QH), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao đổi với báo chí xoay quanh báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH về giáo dục đại học (ĐH).

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trước QH ngày 7-6. Ảnh: M.ĐIỀN

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trước QH ngày 7-6. Ảnh: M.ĐIỀN

- PV: Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về chất lượng báo cáo giám sát?

Phó Thủ tướng NGUYỄN THIỆN NHÂN: Đoàn giám sát đã đến các cơ sở của 3 vùng, gặp trực tiếp các trường nên báo cáo giám sát này có chất lượng rất tốt.

- ĐB Lê Văn Cuông bức xúc cho rằng, báo cáo chưa đề cập đến trách nhiệm của Bộ GD-ĐT?

Thật ra báo cáo có thể hiện. Chúng ta đã có 22 năm đổi mới ngành giáo dục nên nhiều thế hệ đã tham gia phát triển ngành. Mọi hoạt động của Nhà nước đều có sự lãnh đạo của Đảng, QH và Chính phủ nên mọi người có trách nhiệm trong đó.

- Một trong những vấn đề chính trong báo cáo đề cập là sự dễ dãi trong thành lập trường, mà đây là thẩm quyền của Bộ GD-ĐT?

Năm 1987, khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường thì cả nước có 111 trường ĐH - CĐ, hàng năm cho ra trường gần 20.000 kỹ sư, cử nhân. Hiện nay mỗi năm, 220.000 sinh viên ra trường, gấp 11 lần nhưng 90% trong đó có việc làm. Sau 22 năm, quy mô kinh tế tăng khoảng 4 lần. Nếu không có lực lượng này thì không đảm bảo phát triển nền kinh tế. Nếu vẫn giữ quy mô như năm 1987 thì phải 11 năm đào tạo liên tục mới đáp ứng được 1 năm nhu cầu nhân lực hiện nay. Dĩ nhiên còn một số hạn chế về chất lượng giáo dục ĐH, nhưng rõ ràng giáo dục ĐH có đóng góp quan trọng để có thể thu hút FDI, phát triển công nghiệp, dịch vụ… Tôi cho rằng, điều này đáp ứng yêu cầu xã hội. Còn những khó khăn, hạn chế thì báo cáo chỉ rất rõ.

- Tác dụng lớn nhất của cuộc giám sát đối với ngành giáo dục?

Đợt giám sát góp phần để ngành giáo dục và toàn xã hội hiểu đúng thực trạng của ngành và thống nhất giải pháp. Kết quả quan trọng là chúng ta hoàn toàn không bi quan về giáo dục ĐH. Nhận thức của ngành cũng như chỉ đạo của Chính phủ hoàn toàn không bi quan về giáo dục ĐH.

- Có nhận xét nào trong báo cáo giám sát ông cho là chưa thỏa đáng?

Không. Tôi thấy những nhận xét trong báo cáo là hợp lý.

>> ĐB PHẠM PHƯƠNG THẢO (TPHCM): GDĐH phải đổi mới về cơ chế pháp lý và tài chính. Chúng ta đang bí về cái này. Ta nói tạo điều kiện cho trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng chưa có cơ chế cụ thể. Nói được tự chủ về nhân sự, sinh viên, phương pháp giảng dạy... nhưng đã tạo điều kiện thực sự chưa? Phải làm rõ. Thực tế, các trường đều khó khăn về tài chính. Đầu tư 200 - 500 USD/suất sinh viên thì đảm bảo chất lượng làm sao? Nhiều trường kêu học phí ĐH bằng mẫu giáo. ĐH Bách khoa TPHCM danh tiếng như thế mà lương giảng viên chỉ 6 triệu đồng/người/tháng thì làm sao thu hút người trẻ, giỏi. Khung học phí vừa qua làm khó các trường. Tại sao ta mở cho trường tư rất nhiều. Như Trường ĐH Hoa Sen thu 120 triệu đồng/sinh viên mà xã hội vẫn chấp nhận, trường này 90% sinh viên có việc làm. Điều này cho thấy, đầu tư Nhà nước cho giáo dục không nên bình quân, bao cấp cho toàn xã hội.

 

Phan Thảo – Bảo Vân


Cấp phép lập trường dễ dãi:
Quốc hội bảo có, Chính phủ nói không

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học (ĐH) khẳng định, từ 2005 đến nay, việc cho phép thành lập mới các trường ĐH-CĐ có phần dễ dãi, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên không bảo đảm, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, nhất là các trường ngoài công lập và các trường địa phương.

Việc thành lập trường chưa căn cứ đầy đủ vào nhu cầu về nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả nước và từng địa phương, chưa gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Chỉ từ 2005 - 2009, cả nước đã có tới 200/312 trường ĐH-CĐ được thành lập, nâng cấp, trong đó có 148 trường công lập, 52 ngoài công lập.

Ngoài ra, đang có trào lưu nâng cấp trường CĐ lên ĐH trong khi điều kiện chưa đủ. Chất lượng đầu vào của nhiều trường ĐH-CĐ rất thấp, quá nhiều trường tuyển học sinh có điểm thi tương đương điểm sàn của Bộ. Đặc biệt, vẫn còn khoảng 20% các trường mới thành lập, nâng cấp chưa thực hiện xây dựng trường tại địa điểm đăng ký. Tỷ lệ giảng viên thạc sĩ, tiến sĩ của các trường mới thành lập, nâng cấp còn rất thấp. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập thiếu, đa số là cán bộ về hưu.

Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ cũng về vấn đề này nêu rằng, từ năm 1998 trở lại đây, các quy định về điều kiện thành lập trường là phù hợp, đáp ứng các yêu cầu đảm bảo chất lượng. Với quy trình thành lập trường ĐH-CĐ, Chính phủ cũng cho rằng, thời gian qua đã tuân thủ theo đúng quy định.

Về chất lượng công tác thẩm định thành lập trường, Chính phủ cho rằng, khi xem xét các đề án thành lập trường, Bộ GD-ĐT cũng như ­ các bộ hữu quan tham gia Hội đồng thẩm định luôn chú trọng đến tiêu chí, điều kiện thành lập trường. Từ năm 1998 - 2009 số trường ĐH-CĐ được thành lập mới hoàn toàn là 57 trường, chiếm 19,5%; số trường nâng cấp từ các trường CĐ, các khoa và trường trung cấp là 235 trường, chiếm 80,5%.

Việc thành lập các trường ĐH-CĐ theo Chính phủ là “phù hợp với yêu cầu quy hoạch chung của cả nước và của các địa phương, đã tuân thủ quy trình theo quy định hiện hành, các điều kiện thành lập trường khi thẩm định đáp ứng yêu cầu theo quy định - do trong những năm đầu đề án chỉ đề nghị đào tạo một số ngành với quy mô hạn chế”. Theo báo cáo của Chính phủ, qua 12 năm đã có 94 trường ĐH mới được thành lập, bình quân là 1,5 trường ĐH/tỉnh; có 198 trường CĐ mới được thành lập, bình quân là 3,1 trường CĐ/tỉnh.

Một trong những giải pháp mà Chính phủ đề nghị QH nhằm cải thiện chất lượng giáo dục đại học, đó là tăng tỷ trọng ngân sách đầu tư cho GDĐH khoảng từ 12% - 14% tổng chi ngân sách nhà nước dành cho lĩnh vực giáo dục (hiện nay chỉ xấp xỉ 11,7%).

L.Nguyên

Tin cùng chuyên mục