Ngày 27-5, Quốc hội đã dành trọn một ngày để thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2010 trong những tháng đầu năm. Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, đã có tổng cộng 45 đại biểu (ĐB) phát biểu tại hội trường và 23 ĐB đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, vì không đủ thời gian. “Những vấn đề được nêu rất hệ trọng và thiết thực”, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nhận định.
Tăng trưởng kinh tế chưa song hành với môi trường
ĐB Vũ Tuấn Nhân (Quảng Ngãi) cho rằng, Chính phủ có phần chú trọng đến kinh tế hơn các vấn đề về xã hội, môi trường, trong khi đó là những yếu tố đảm bảo phát triển bền vững. “Năm 2009, có một số chỉ tiêu không đạt và đều tập trung trong lĩnh vực xã hội, môi trường. Có thể thấy, tăng trưởng kinh tế hiện nay chưa tạo nên chuyển biến tích cực về xã hội, môi trường”, ĐB Vũ Tuấn Nhân nhận xét. Đây cũng là quan điểm của ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) khi ông ví von: “Tăng trưởng nhanh nhưng các chỉ tiêu về xã hội, môi trường chưa đạt thì giống như xây nhà trên những trụ cột yếu, không thể vươn lên cao được”.
ĐB Trần Hồng Việt (Hậu Giang) bổ sung thêm, mức sống của đại bộ phận của người dân gặp khó khăn vì thu nhập tăng “không đuổi kịp” mức tăng giá. Quyền lợi của người lao động chưa được bảo đảm thỏa đáng và đặc biệt, “chất lượng cuộc sống càng đi xuống nếu bị cắt điện liên miên”, ĐB Trần Hồng Việt nói. Tình trạng cắt điện thường xuyên được khá nhiều ĐBQH lên tiếng. Các giải thích vì nhu cầu dùng điện tăng, do thiếu nguồn nước... được ĐBQH cho là không thỏa đáng, Chính phủ cần chỉ rõ nguyên nhân thiếu điện và địa chỉ trách nhiệm để tìm giải pháp. Vì nếu không tìm đúng nguyên nhân, sẽ không đưa ra được giải pháp, do vậy tình trạng thiếu điện chưa biết bao giờ kết thúc.
Một số vấn đề nóng, bức xúc khác như biến đổi khí hậu, thiên tai... cũng được các ĐB bày tỏ quan tâm và được coi như nguy cơ tiềm tàng đẩy những đối tượng cận nghèo xuống trở lại mức nghèo. ĐB Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) phản ánh: “Do tác động của biến đổi khí hậu, Bến Tre đang bị nước mặn bao quanh hơn 4 tháng qua, ảnh hưởng tới đời sống của hơn 1,3 triệu người dân cũng như gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Nguồn nước ngầm đang bị nhiễm mặn và phèn”. ĐB Nguyễn Hữu Phước đề nghị Chính phủ dành nguồn lực thích đáng hỗ trợ người dân ứng phó một cách chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Còn ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) gây chú ý khi ông lên tiếng báo động vấn đề thất thoát, lãng phí đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực. Trong đó bức xúc nhất là lãng phí tài nguyên thiên nhiên, khiến đất nước ngày càng cạn kiệt, môi trường bị hủy hoại; lãng phí trong sử dụng đất công, thất thoát điện năng, lãng phí trong lễ hội, họp hành. “Buôn tàu bán bè, không bằng ăn dè hà tiện” - ĐB Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Dự báo không sát thực tiễn
Việc tăng thu ngân sách trong năm 2009 nhưng bội chi cao tiếp tục là mối quan tâm lớn của các ĐBQH, với nhiều câu hỏi được đặt ra. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) và nhiều ĐB khác cùng bức xúc trước việc chỉ trong vài tháng, nhưng báo cáo của Chính phủ quá vênh về số liệu, cụ thể là tăng thu ngân sách 2009 lên tới gần 52.000 tỷ đồng so với báo cáo tại kỳ họp QH cuối năm trước. “Công tác dự báo quá kém, khó cho việc quyết định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước của QH.
Nếu biết tăng thu gần 52.000 tỷ đồng, chắc QH sẽ không quyết mức bội chi năm 2010 cao như vậy. Chính phủ cần phân tích kỹ vấn đề này và QH có thể điều chỉnh mức bội chi ngân sách 2010”, ĐB Ngô Văn Minh đề nghị. Trong khi đó, ĐB Trần Hồng Việt cho rằng, tăng thu nhưng bội chi vẫn tăng không hẳn do dự báo kém, có thể hệ thống tài chính từ dưới lên đang thiếu minh bạch. Ông giải thích: Cấp dưới bao giờ cũng báo cáo dự toán thu thấp. Tình trạng bội chi cao chính là cơ sở khiến nhiều ĐB lo ngại về việc nợ công ở mức khá cao, tiệm cận ngưỡng mất an ninh tài chính quốc gia.
Giải trình thêm với QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: “Cho đến nay chúng ta luôn trả nợ đúng hạn”. Năm 2009, do yêu cầu ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ đã đề nghị QH tăng bội chi nhưng chính sách về lâu dài, phải hạ bội chi xuống dưới 5% trong vòng từ 3 - 5 năm nữa. “Do trình độ phát triển còn thấp, nên Việt Nam, cũng như nhiều nước khác ở mức độ phát triển tương tự, đều phải bội chi. Nhưng phần lớn bội chi của ta đều dành cho đầu tư phát triển”, người đứng đầu ngành tài chính khẳng định.
Phan Thảo - Anh Phương