So với các nội dung thường thấy trong các kỳ họp Quốc hội vừa qua, có lẽ đây là lần đầu tiên một vấn đề tưởng như xa lắc xa lơ đối với Việt Nam đã được ghi vào Nghị quyết Quốc hội: hiện tượng băng tan trên toàn cầu – hậu quả của tình trạng trái đất đang nóng lên. Đáng nói nữa, ý kiến này của đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã được ghi nhận, tiếp thu ngay trước khi Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2008 được thông qua.
Tốc độ phát triển phải hài hòa với bảo vệ môi trường là nguyên tắc xuyên suốt toàn bộ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và là lý do chính để Quốc hội quyết định chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 8,5% – 9%. Để bảo đảm nguồn tài nguyên quốc gia, có rất nhiều ý kiến cho rằng cần hạn chế tối đa việc xuất khẩu khoáng sản thô, chưa qua chế biến.
Trồng rừng và bảo vệ rừng cũng là vấn đề được nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm. Tuy trong kỳ họp này không có một dự án luật chuyên ngành môi trường nào được đưa ra thảo luận, song bàn về dự thảo Luật Hóa chất, khá nhiều đại biểu đã phân tích khá sâu sắc ảnh hưởng môi trường và những mối nguy tiềm ẩn vẫn đang bị xem nhẹ từ các loại hóa chất.
Mặc dù bản dự thảo luật đã đặc biệt coi trọng việc bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất, dành hẳn một chương về phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất để ngăn ngừa thảm họa môi trường, song đại biểu Lê Văn Điệt (Vĩnh Long) vẫn đề nghị bổ sung những quy định cụ thể hơn và chế tài mạnh mẽ hơn đối với hành vi sử dụng bừa bãi các loại hóa chất gây hại trong sản xuất thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng.
Bảo đảm an toàn hóa chất trên đường vận chuyển cũng là vấn đề được đặt ra khá cụ thể. Các đại biểu đề nghị phương tiện vận chuyển hóa chất phải có ký hiệu riêng và những nguyên tắc vận hành riêng để dễ dàng xử lý khi xảy ra sự cố. đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc) cảnh báo việc sử dụng tràn lan các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu qua biên giới, coi đây là mối nguy hiểm rất lớn cho sức khỏe của cộng đồng và cả “sức khỏe” môi trường.
Trong khi đó, ông nhấn mạnh, có rất nhiều chế phẩm sinh học có thể thay thế được các loại thuốc trừ sâu độc hại này, giá thành không hề đắt, nhưng người dân lại không thích dùng. Với bản tính hài hước, đại biểu nói vui rằng, vì “không thấy sâu chết ngay” nên có lẽ người dân chưa thật sự tin vào những loại “đông dược” đó!
Được biết, trong những ngày làm việc tới của Quốc hội, một số vấn đề môi trường bức xúc sẽ được đưa ra chất vấn, trong đó có sự cố tràn dầu, tình trạng triều cường, diện tích rừng bị cháy, bị tàn phá…
Anh Thư