Ngày 24-7, Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đưa vào Nghị quyết của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Bên lề kỳ họp chiều 24-7, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trao đổi với báo chí về nội dung này, nhấn mạnh: Đây là một tình huống rất đặc biệt, chưa có tiền lệ trong thời bình.
Ông Bùi Văn Cường cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm ở nhiều địa phương trên cả nước, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước cũng đã có ý kiến chỉ đạo về nội dung này. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, trên cơ sở ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo thực hiện nhiều nội dung quan trọng.
Quốc hội đã thống nhất rút ngắn thời gian kỳ họp Quốc hội trên cơ sở vẫn đảm bảo chất lượng, nội dung, chương trình kỳ họp đã thông qua. Tăng cường sự chủ động, linh hoạt, làm việc ngoài giờ và làm thêm vào ngày chủ nhật. Riêng các cơ quan của Quốc hội làm thêm cả đêm. Do đó, kỳ họp tuy được rút ngắn 3 ngày, nhưng không ảnh hưởng đến nội dung, chất lượng của kỳ họp.
Đặc biệt, Quốc hội thấy cần phải trao quyền cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như khi ban bố tình trạng khẩn cấp, để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước cũng đã có ý kiến chỉ đạo về nội dung này trong một thời gian rất gấp, khẩn trương.
Với tinh thần của Quốc hội hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong việc phòng, chống dịch bệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì các cuộc làm việc với một số cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Các cơ quan đã làm xuyên thời gian, làm cả ban đêm để kịp nội dung này. Đây là nội dung bổ sung của kỳ họp lần này, nhận được sự thống nhất cao của các ĐBQH.
Có thể nói đây là việc ít có tiền lệ, là trường hợp đặc biệt trong tình huống cấp bách, nên việc giải quyết cũng theo trình tự rút gọn, đặc biệt. Đêm 23-7, khi Chính phủ có tờ trình về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm việc ngay trong đêm để thẩm tra.
Nội dung này cũng đã được Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đại diện một số cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo của một số bộ, cơ quan Chính phủ xem xét, cho ý kiến vào sáng 24-7 để ngay chiều 24-7, Chính phủ kịp trình Quốc hội.
Quốc hội giao cho Chính phủ bao gồm cả các biện pháp theo quy định được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Các giải pháp, biện pháp chưa được pháp luật quy định hoặc khác với quy định của một số luật. Quốc hội cũng quyết định tập trung nguồn lực cho Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Việc giao thẩm quyền này cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thực hiện có thời hạn và chỉ phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tình hình và kết quả thực hiện các biện pháp này tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.
Quốc hội sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tăng cường giám sát Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện nội dung này.
Kỳ họp đã diễn ra trong hoàn cảnh rất đặc biệt, phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các ĐBQH và lực lượng phục vụ. Các giải pháp “đặc biệt” cũng được triển khai, như Văn phòng Quốc hội đã bố trí phòng họp trực tuyến để phục vụ lãnh đạo các địa phương họp trực tuyến với tỉnh, thành phố của mình, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại địa phương trong thời gian kỳ họp… vì rất nhiều tỉnh thành, Bí thư, Chủ tịch tỉnh là ĐBQH.