Sau khi Báo SGGP đưa tin về vết nứt dài xuất hiện trên QL91, đoạn tiếp giáp với sông Hậu đi qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, sáng ngày 5-6, toàn bộ 50m QL91 và sâu vào đất liền 15m (tính từ bờ sông trở vào đến mép trải nhựa QL91) đã sụt hẳn xuống sông. Chỗ sạt lở tiếp nối với đoạn sạt lở xảy ra vào ngày 27-2 theo hướng về thượng nguồn sông Hậu.
Đáng ngại là khu vực mới sạt lở trên chỉ còn cách đầu đoạn đường vòng (nối đoạn QL91 bị đứt do sạt lở lần trước) khoảng trên 50m. Nguy cơ sạt lở lấn đến đoạn đường vòng và cắt đứt QL91 một lần nữa là rất lớn.
Chiều 5-6, tại UBND huyện Châu Phú, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam Mai Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Phạm Biên Cương, đại diện Khu quản lý đường bộ 7 và các bên liên quan đã có cuộc họp khẩn tìm giải pháp khắc phục sự cố sạt lở trên.
Theo ông Trần Anh Thư, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang, nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở tiếp theo này là do các hố xoáy ngày càng xói sâu vào đất liền làm cho bờ sông trên gần như dựng đứng, có nơi tạo thành hàm ếch dẫn đến sạt lở.
Phân tích kết quả khảo sát mới nhất, ông Hoàng Đức Hùng, Trưởng phòng dự án, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), đơn vị được thuê khảo sát và tìm phương án xử lý đoạn sạt lở này nhận định: “Đoạn bờ sạt lở nằm ngay đoạn sông cong hẹp, thắt nút cổ chai nên thủy lực lớn ép sát, xói vào bờ sông phía quốc lộ. Hiện tại sạt lở xảy ra cục bộ trên miệng 3 hố xoáy. Theo quy luật chung của dòng chảy, tới đây các hố xoáy sẽ xói thành một dải đến lúc đó sạt lở sẽ xảy ra trên tuyến dài. Do vậy không có giải pháp từ bây giờ thì hậu quả sau này sẽ rất lớn”.
Nhiều ý kiến được đưa ra, song kết thúc buổi là việc vẫn chưa có phương án nào được chọn. Ông Phạm Biên Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng: “Trước mắt tập trung xử lý các hố xoáy, còn giải pháp lâu dài sẽ chờ kết luận của TEDI”. Ông Cương cũng lo ngại, việc lấp xong các hố xoáy sẽ rất khó khăn. Vì vậy yêu cầu các bên liên quan cần phải siết tay làm thật nhanh, không để sạt lở lấn tới đoạn đường vòng, ảnh hưởng đến lưu thông trên tuyến quốc lộ này.
Nhiều hộ dân lo lắng chờ di dời Do dự tính sạt lở sẽ không xảy ra ở khu vực trên nên một số hộ dân ở đối diện với đoạn quốc lộ mới bị lở này vẫn chưa được di dời. Sau khi chứng kiến vụ sạt lở, nhiều người không khỏi thấp thỏm âu lo. Ông Ngô Văn Cộng, sống đối diện với miệng sạt lở cho biết: “Hôm thấy vết nứt là gia đình tôi thấy lo lắng rồi, chẳng biết nó sẽ lở lúc nào. Căn nhà tôi xây dựng tính ra trên 300 triệu đồng giờ phải đập cũng chẳng tiếc, chỉ mong sớm được di dời”. Cũng như ông Cộng, nhà chị Nguyễn Ánh Nga nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở nhưng vẫn chưa được di dời. Chị Nga nói: “Lần trước, địa phương có đến nhà kêu ký tên để di dời. Nhưng rồi thấy không sạt lở nữa, nên không được bố trí di dời. Giờ sạt lở xảy ra trước nhà rồi, chỉ mong sớm được giải quyết dời chỗ ở khác cho an toàn hơn”. |
Đình Tuyển