Kết quả này thêm một lần nữa báo động tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng để lại tác động xấu đến môi trường sống. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là nguồn tài chính đóng góp cho các quỹ chống biến đổi khí hậu đang thiếu hụt, gây cản trở việc triển khai các chương trình bảo vệ môi trường ở nhóm các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Đây cũng là vấn đề đang gây khó khăn cho Quỹ Đầu tư khí hậu (CIF). Được thành lập năm 2008 với nguồn quỹ 8,3 tỷ USD, CIF là công cụ tài chính đa phương lớn nhất thế giới, giúp các nước đang phát triển hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Được CIF hỗ trợ tại 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, các dự án đang tạo ra nguồn năng lượng sạch với công suất 26,5 gigawatt, cung cấp năng lượng cho 8,5 triệu người, hỗ trợ 45 triệu người ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý 36 triệu ha rừng bền vững hơn. Nhưng người đứng đầu CIF Mafalda Duarte cho biết, sau 10 năm hoạt động, quỹ này có nguy cơ cạn kiệt trong năm nay khi chưa nhận được khoản đóng góp mới nào kể từ năm 2014 và các khoản cam kết chưa đầy 1 tỷ USD.
CIF không phải là nhà tài trợ lớn duy nhất đang “khát” khoản đóng góp mới trong năm nay cho hoạt động chống biến đổi khí hậu. Quỹ Khí hậu xanh (GCF) với trị giá nhiều tỷ USD cũng đang tích cực kêu gọi các nhà tài trợ tăng thêm nguồn đóng góp. Trong tháng 4 này, GCF đã tổ chức hội nghị tại Oslo, Na Uy với sự tham dự của 27 nhà tài trợ tiềm năng nhằm hối thúc các nước giàu “bơm” thêm tiền cho quỹ. Năm 2014, GCF đã nhận được cam kết đóng góp tổng cộng hơn 10 tỷ USD từ một số nước phát triển. Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối chuyển 2/3 số tiền 3 tỷ USD cam kết ban đầu cho quỹ với lý do quốc gia này không muốn tiêu tốn hàng tỷ USD trong tương lai đã khiến số tiền cam kết cho GCF vẫn chỉ là 3,5 tỷ USD, một con số đáng thất vọng nếu so với cam kết của các quốc gia phát triển.
Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, GCF vẫn hy vọng các quốc gia phát triển khác tiếp tục khẳng định cam kết của mình bằng cách đóng góp nhiều hơn cho quỹ. Tuy nhiên, các nước này chưa đưa ra bất kỳ động thái cụ thể nào hoặc chỉ cam kết đóng góp cho quỹ một cách khiên cưỡng do lo ngại số tiền bỏ ra có thể quá ít ỏi để tạo nên sự khác biệt lớn. Thực trạng này khiến giới chuyên gia khí hậu nhận định, một số quỹ khí hậu từng mang lại hy vọng về môi trường xanh đang có nguy cơ trở thành quỹ vô vọng. Ngoài ra, việc thiếu ngân sách còn làm suy yếu niềm tin vào các cuộc đàm phán khí hậu diễn ra trong thời gian tới.