Suốt thời gian qua, xe siêu trường, siêu trọng, quá khổ, quá tải lưu thông như chốn không người, khiến đường sá bị cày nát và gây ám ảnh cho người đi đường khi gặp những “hung thần xa lộ” này. Tình trạng này ngày càng gia tăng làm hư hại nghiêm trọng các công trình giao thông đường bộ và mất an toàn giao thông. Để giải quyết vấn nạn này, việc siết chặt quản lý tải trọng xe đã được Bộ GTVT triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các vi phạm, lập lại kỷ cương trong lĩnh vực quản lý vận tải.
Hành động cụ thể, Bộ GTVT đã trang bị 67 bộ cân lưu động với tổng kinh phí 136 tỷ đồng để cân tải trọng các xe chở quá tải. Tổng cục Đường bộ chỉ đạo 63 tỉnh, thành trên cả nước lắp đặt trạm cân di động trên những tuyến đường trọng điểm nhằm kiểm tra, giám sát tải trọng của xe tải khi lưu thông.
Cùng lúc, Bộ GTVT cử 8 đoàn công tác giám sát việc thực hiện tại các địa phương trong đợt cao điểm kiểm soát tải trọng trong những ngày qua. Mặc dù, các lực lượng chức năng phối hợp triển khai rất rầm rộ, lập nhiều trạm cân, thế nhưng xe “khủng” vẫn trót lọt qua nhiều trạm cân một cách đáng nghi ngờ.
Theo Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11-2-2010 quy định về lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ, nêu rõ: Chỉ cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên các đoạn, tuyến đường bộ cụ thể và trong những trường hợp đặc biệt, khi không còn phương án vận chuyển nào khác hoặc không thể sử dụng chủng loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khác để vận chuyển trên đoạn, tuyến đường bộ đó.
Không cấp giấy phép lưu hành cho xe quá khổ giới hạn đối với trường hợp chở hàng hóa có thể tháo rời (chia nhỏ) hoặc xe bánh xích không thực hiện các biện pháp bắt buộc khi tham gia giao thông trên đường bộ. Không cấp giấy phép lưu hành xe cho tổ chức, cá nhân là chủ phương tiện, người vận tải hoặc người thuê vận tải gây ra hư hỏng công trình đường bộ do việc lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ mà chưa hoàn thành công tác sửa chữa, khắc phục hư hỏng công trình đường bộ.
Nghiêm cấm việc cấp giấy phép lưu hành xe khi xe chở hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép của xe theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc vượt quá tải trọng cho phép của xe đã được cơ quan đăng kiểm kiểm định sau khi thiết kế cải tạo và được quy định trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ...
Theo quy định của Bộ GTVT, để được cấp giấy phép lưu hành đặc biệt vận chuyển hàng hóa siêu trường siêu phải quy định trách nhiệm cụ thể của bên vận tải. Theo đó, phải chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng bảo đảm an toàn cho người, hàng hóa và công trình giao thông. Như khảo sát hành trình chạy xe (tuyến đường, đoạn đường, cầu, phà được đi); vị trí địa hình nơi xếp dỡ; yêu cầu hỗ trợ hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông trên đường khi phương tiện vận chuyển đi qua; tốc độ xe đi, giờ đi, điểm đỗ...
Việc khảo sát, thiết kế nhằm gia cố tăng cường năng lực chịu tải và khả năng thông qua của đường bộ phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận. Thậm chí trong các trường hợp xe quá tải, quá khổ đặc biệt mà khi lưu hành phải thực hiện các điều kiện bắt buộc như đi theo làn quy định, có xe CSGT dẫn đường, hộ tống.
Điều kiện rất quan trọng nữa là nếu không còn phương án vận chuyển nào thì mới cho phép lưu thông bằng đường bộ. Như vậy, các loại hàng hóa nặng 100 tấn trở lên có thể vận chuyển bằng đường thủy. Rõ ràng, quy định thì chặt chẽ nhưng thực hiện lại rất lỏng lẻo!
QUỐC HÙNG