Dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực hơn nửa năm, thế nhưng đến giờ các quy định của pháp luật chưa được các doanh nghiệp thực hiện, khách hàng hầu như cũng chưa biết quyền của mình để đòi hỏi. Chúng tôi xin giới thiệu những điểm mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động bảo hành.
3 lần không sửa được: Thay hàng mới
Lâu nay, các cửa hàng, nhà sản xuất cạnh tranh nhau giá bán, khuyến mãi để bán được hàng mà coi nhẹ chất lượng hàng hóa. Nhiều khách hàng đã phải chịu cảnh mua hàng giá rẻ phải chấp nhận hên – xui, nếu mua phải hàng chất lượng kém thì coi như… tiền mất tật mang. Nay, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011) đã quy định rõ về trách nhiệm bảo hành của nhà sản xuất.
Theo khoản 4 và khoản 5 Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì nhà sản xuất phải đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện và trả lại tiền cho người tiêu dùng trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi.
Trường hợp đã thực hiện bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện từ 3 lần trở lên trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được lỗi thì nhà sản xuất cũng phải đổi hàng hóa, linh kiện, phụ kiện mới tương tự hoặc thu hồi hàng hóa và trả lại tiền cho người tiêu dùng.
Và điểm hay của quy định này là khi đổi hàng mới thì thời hạn bảo hành được tính lại kể từ thời điểm đổi hàng. Như vậy, khách hàng không còn phải lo chuyện nhà sản xuất cố kéo dài thời gian bảo hành hoặc bảo hành qua loa cho xong chuyện. Thậm chí, khi thay đổi hàng mới, chất lượng hàng mới cũng phải đảm bảo vì việc bảo hành vẫn được tính lại từ đầu.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung (quận Tân Bình, TPHCM) kể, chị đã từng mua một chiếc điện thoại di động sử dụng vài tháng đã hư, và rơi vào cảnh “của hành người” phải theo đuổi bảo hành cho đến khi hết thời hạn bảo hành là… vứt! Do vậy, khi biết về quy định mới của luật này, chị hồ hởi nói: “Giờ người tiêu dùng mới thật sự được bảo vệ. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền rộng rãi các quy định này cho người dân biết, vì còn nhiều khách hàng rơi vào cảnh giống tôi mà chưa biết luật để đòi hỏi quyền lợi của mình”.
Được thay hàng sử dụng tạm...
“Khách hàng giờ đây sẽ không ngại việc bảo hành nữa, vì luật quy định nhà sản xuất phải chịu chi phí vận chuyển hàng hóa từ nhà đến điểm bảo hành và từ điểm bảo hành về nhà. Đó là chưa kể, trong khi bảo hành hàng hóa, nhà sản xuất phải cung cấp hàng hóa tương tự cho khách hàng sử dụng tạm. Thời gian thực hiện bảo hành không tính vào thời hạn bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện…” - Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Trưởng Văn phòng Luật sư An Luật nói.
Trường hợp hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện do mình cung cấp. Đặc biệt, luật cũng quy định rõ nhà sản xuất vẫn phải chịu trách nhiệm ngay cả trong trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc bảo hành.
Anh Hà Anh Dũng (quận Bình Thạnh, TPHCM) nói: “Trước đây, tôi đã từng mua chiếc máy giặt, khi hư đã tốn công, tốn chi phí vận chuyển đến nơi bảo hành, đã vậy còn không được thay thế hàng sử dụng tạm nên chúng tôi phải giặt đồ bằng tay trong suốt thời gian bảo hành hơn nửa tháng trời. Giờ khách hàng chắc hẳn thoát được cảnh này”.
Tuy luật có nhiều quy định bảo vệ khá chặt trong việc bảo vệ người tiêu dùng, nhưng điều mà nhiều khách hàng bức xúc là nếu nhà sản xuất không nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình thì chế tài ra sao, bị xử lý như thế nào…
TS Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, nếu các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tái phạm (2 lần) vi phạm quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị công khai danh sách trên trang web của Bộ Công thương, Sở Công thương hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn nếu khách hàng muốn kiện ra tòa sẽ được xử lý nhanh chóng theo thủ tục rút gọn và khách hàng không phải nộp tiền tạm ứng án phí.
HÀN NI
|