Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng xây dựng các công trình cao tầng trên địa bàn TPHCM, cần trục tháp đã được sử dụng ngày càng nhiều trong việc thi công các công trình cao tầng. Tuy nhiên, khi sử dụng cần trục tháp, đặc biệt là khi xây dựng các cao ốc trong khu dân cư tại khu vực nội thành, do điều kiện thi công chật hẹp và các đơn vị thi công thường sử dụng cần trục tháp không đúng quy định nên vươn qua các công trình lân cận hoặc vươn ra ngoài đường, hiểm họa khôn lường.
- Cấm cần trục tháp có tay cần nằm ngang
Theo Sở Xây dựng TPHCM, cần trục tháp đáp ứng yêu cầu vận chuyển khối lượng lớn vật liệu, thiết bị với chiều cao và tầm vươn rộng, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, ngoài tính năng rất hữu dụng thì cần trục tháp lại là một trong những loại thiết bị thi công có khả năng gây thiệt hại lớn nếu xảy ra sự cố do lỗi kỹ thuật, rủi ro khi lắp đặt trên cao, thường hoạt động trong điều kiện mặt bằng, không gian không thuận lợi và vươn ra trên nhiều công trình lân cận, trong khu vực đông người. Hàng năm vào mùa mưa thường có gió lớn, lốc và các điều kiện thời tiết bất lợi gây ảnh hưởng cho hoạt động của cần trục tháp.
Thực tế thời gian qua có nhiều sự cố gây chết người từ cần trục tháp ở các công trình xây dựng trong đô thị. Cụ thể như: trong tháng 1-2011 vừa qua, cần cẩu tháp tại công trình thi công dự án Khu tái định cư - công viên cây xanh - thể dục thể thao ở phường 12, quận Bình Thạnh bị sập làm 1 người chết, 1 người bị thương nặng. Trước đó, vụ ngã gãy cần trục tháp khi xây dựng cao ốc Centec Tower tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 đã làm nhiều người bị thương... Những bất cập này hiện vẫn tiếp diễn, tại các công trình thi công có sử dụng cần trục tháp, những khối bê tông nặng vài tấn vẫn còn treo lơ lửng trên đầu người dân hàng ngày rất nguy hiểm.
Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM, nguyên nhân là một số công trình có diện tích thi công quá nhỏ, các chủ đầu tư, đơn vị thi công có gì sử dụng đó, hoạt động giờ nào cũng được chứ chưa quan tâm đến an toàn lao động trong xây dựng. Bên cạnh đó, việc quản lý nhà nước trong sử dụng cần trục tháp cũng như an toàn lao động trong xây dựng chưa nghiêm, mức phạt chưa cao nên không đủ sức răn đe. Sở Xây dựng TP cho biết, Sở vừa hoàn thành dự thảo chỉ thị về việc quản lý, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng trên địa bàn TPHCM để trình UBND TP.
Trong đó, sở đề xuất, từ ngày 1-6-2012, không cho phép sử dụng những loại cần trục tháp có tay cần nằm ngang trên các công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM. Theo đó, điều kiện để các loại cần trục tháp được sử dụng phải được lựa chọn chủng loại với sức nâng, tầm với, đối trọng cân bằng, cách xử lý móng, đài móng, ray, các liên kết phù hợp với địa điểm xây dựng, diện tích mặt bằng công trường, đảm bảo thuận lợi cho công tác thi công, an toàn cho người và thiết bị trên công trường và khu vực xung quanh. Đối với mặt bằng chật hẹp, ưu tiên sử dụng cần trục leo trong, cần trục có tay cần dạng nâng hạ (cánh tay cần điều chỉnh tầm với bằng cách nâng lên hạ xuống, sát với thân tháp đứng).
- Yêu cầu nghiêm ngặt
Theo Sở Xây dựng, khi chỉ thị được thông qua, trong thời gian chuyển tiếp các loại cần trục tháp vẫn được phép hoạt động nhưng phải đáp ứng các điều kiện được dự thảo quy định. Các cần trục tháp đã đưa vào hoạt động trước khi chỉ thị này có hiệu lực mà vươn ra khỏi ngoài phạm vi công trường xây dựng phải lập ngay phương án hoạt động để gửi Sở LĐTB-XH xem xét trước ngày 31-3-2012. Trong thời gian chưa có phương án hoạt động được chấp thuận, chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải có các biện pháp bảo đảm an toàn cho khu vực trong và ngoài công trường khi cần trục hoạt động.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định về điều kiện sử dụng cần trục tháp như: phải đăng ký tại Sở LĐTB-XH theo quy định; phải có hồ sơ thiết kế lắp dựng cần trục tháp đảm bảo về an toàn, sự phù hợp được nhà sản xuất hoặc đơn vị chủ quản cần trục chấp thuận và được chủ đầu tư phê duyệt cùng lúc với việc phê duyệt tổng mặt bằng công trường xây dựng; phải mua bảo hiểm cho cần trục tháp đúng quy định; phải có phương án, quy trình kỹ thuật của nhà cung cấp cho việc lắp dựng, vận hành, nâng, hạ và tháo dỡ cần trục; phải có sổ theo dõi vận hành thiết bị, được lưu tại công trường.
Công nhân vận hành cần trục phải được đào tạo (có bằng hoặc giấy chứng nhận) phù hợp với loại cần trục thao tác, đã được huấn luyện kỹ thuật an toàn, được cấp thẻ an toàn lao động và có quyết định cử bố trí vận hành cần trục. Công nhân tham gia tháo lắp, nâng, hạ cần trục phải được huấn luyện, thạo việc. Sau khi có mưa bão, có gió lớn hoặc ngừng hoạt động hơn 30 ngày, cần trục tháp phải được kiểm tra lại toàn bộ kết cấu thân, tay cần, đối trọng và các hệ thống kỹ thuật vận hành, đảm bảo đủ điều kiện sử dụng theo quy định. Hồ sơ xin phép hoạt động phải có bản vẽ thể hiện vùng nguy hiểm vật rơi khi cần trục hoạt động; vị trí các chướng ngại vật, công trình bên dưới… Sở LĐTB-XH phải lấy ý kiến nhiều cơ quan liên quan về việc cho phép loại cần trục này hoạt động.
Bên cạnh đó, điều kiện hoạt động của cần trục tháp khá nghiêm ngặt: phải có thời gian vận hành cụ thể; có kế hoạch chi tiết khi vận hành, kể cả phương án điều tiết giao thông, sơ tán người bên dưới… Sở Xây dựng cũng đề xuất công trình xây dựng có cần trục tháp hoạt động phải có sơ đồ thể hiện thông tin phạm vi di chuyển của cần trục tháp; vùng nguy hiểm vật rơi khi cần trục hoạt động; thời gian hoạt động và nghỉ của cần trục tháp; tên, số điện thoại của người thi công, đơn vị chủ quản cần trục. Sơ đồ phải treo ở vị trí thoáng, dễ nhìn. Nhằm tăng cường quản lý sử dụng, an toàn vận hành cần trục tháp, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong thi công các công trình, dự thảo Chị thị cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, sở - ngành, UBND các quận - huyện, tổ chức, chủ đầu tư, và các đơn vị liên quan trong việc xây dựng công trình như tư vấn giám sát, thầu thi công…
NHUNG NGUYỄN