Quy định thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: Còn nhiều chỉnh sửa

Quy định về “Tổ chức và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TPHCM” được ban hành nhằm mục đích thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2005. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý để tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP. Tuy nhiên dự thảo này cho thấy  còn nhiều tồn tại, vướng mắc.

Theo ý kiến đánh giá của các đại biểu (Phòng TN-MT các quận, Công ty Dịch vụ công ích…), khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí thực hiện việc xử lý chất thải. Hiện nay kinh phí do Sở TN-MT “tự thân vận động”, cân đối thu chi, hoàn toàn không được bao cấp. Do vậy, vấn đề tổ chức và thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TPHCM càng gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, thời gian thu gom rác tại TPHCM không có sự thống nhất. Có đơn vị thu gom rác buổi sáng, có nơi buổi chiều, hoặc tối. Một số ý kiến đề xuất nên có thời gian thu gom, tính toán theo cơ sở khoa học. Chẳng hạn, đối với các cơ quan hành chính, người dân: gom rác từ 18 giờ đến 6 giờ sáng; các khu chợ: gom rác theo hoạt động của chợ… nhằm đảm bảo đường phố sạch, đẹp.

“Nếu đưa chương trình này về thực hiện nhưng không có bổ sung kinh phí ngân sách thì không khả thi. Bởi ngân sách hiện tại chi cho các chương trình khác đã không đủ, phải thường xuyên xin thêm tiền từ UBND TPHCM. Như vậy, với quy định thu gom chất thải rắn tại nguồn càng tạo gánh nặng cho cơ sở, nếu không có kinh phí hỗ trợ” – đại diện Phòng TN-MT quận 10 chia sẻ.

Được biết, kết quả kiểm tra tại quận 6 cho thấy, trong giai đoạn đầu thực hiện dự án thu gom chất thải rắn sinh hoạt (từ tháng 3-2006 đến tháng 11-2006) có trên 80% số hộ dân tham gia. Trong đó, khoảng 50% số hộ dân thực hiện phân loại đúng. Kinh phí thực hiện thu gom rác trong giai đoạn 1 (2004 - 2007) trên 9 tỷ đồng. Theo dự tính của ông Trần Văn Danh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 6, kinh phí trong giai đoạn 2 ước trên 11 tỷ đồng. “Nguồn vốn ở đâu chúng tôi thực hiện chương trình này. Nếu không có kinh phí hỗ trợ, chắc chắn quận 6 không thể thực hiện được” – ông Danh khẳng định.

Dự thảo “Tổ chức và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TPHCM” còn nhiều điểm bất cập. Đại biểu Phòng TN-MT quận 10 chỉ rõ, đơn cử, theo quy định tại dự thảo, các hộ nghèo sẽ được cấp phát thùng rác miễn phí. Tuy nhiên, điều 17 của dự thảo lại ghi “cấp phát thùng rác lần thứ nhất”. Thay vì quy định phải ghi rõ cấp phát thùng rác cho hộ nghèo duy nhất một lần, hoặc bao nhiêu lần, tránh gây hiểu lầm”. Không chỉ vậy, việc yêu cầu mỗi quận tự đánh giá mức độ, phần trăm khối lượng tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại rác tại nguồn rất khó do nằm ngoài khả năng của địa phương. Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 6 cho biết thêm, việc yêu cầu quận huyện phải thông báo danh sách những hộ không thực hiện phân loại rác thải tại nguồn cho UBND quận, huyện để có biện pháp xử lý là không khả thi, gây khó cho các quận huyện vì không biết xử lý cụ thể như thế nào.

Ông Trần Văn Danh nói: “Sở TN-MT với vai trò chủ chốt, nên lấy ý kiến trước từ các ban ngành như: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tư pháp… Sau đó đưa ra dự thảo, lấy thêm ý kiến của các phòng, ban trên địa bàn quận, huyện. Điều này sẽ dễ vận dụng đưa vào dự thảo, kết quả tạo sự đồng thuận cao hơn”.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục