Quy định về kiểm tra chuyên ngành hàng dệt may - Càng sửa càng rối

Thông tư 37/2015 của Bộ Công thương về kiểm tra formaldehyt và amin thơm đối với sản phẩm dệt may đã được sửa đổi nhiều lần, song lần sau “tệ” hơn lần trước, khiến doanh nghiệp (DN) gặp không ít khó khăn, thiệt hại.
Quy định về kiểm tra chuyên ngành hàng dệt may - Càng sửa càng rối

Thông tư 37/2015 của Bộ Công thương về kiểm tra formaldehyt và amin thơm đối với sản phẩm dệt may đã được sửa đổi nhiều lần, song lần sau “tệ” hơn lần trước, khiến doanh nghiệp (DN) gặp không ít khó khăn, thiệt hại.

May áo sơ mi xuất khẩu tại Công ty cổ phần Việt Hưng. Ảnh: CAO THĂNG

Trên cải cách, dưới làm khó

Tại Điều 1, Thông tư (TT) 37 chỉ quy định đối tượng kiểm tra formaldehyt và amin thơm đối với sản phẩm dệt may “tiêu thụ trên thị trường Việt Nam”. Mới xem qua, những tưởng điều kiện này đã cởi trói cho DN, đặc biệt phạm vi hàng hóa bị kiểm tra trong phạm vi hẹp, phù hợp với điều kiện hoạt động của DN hiện nay. Tuy nhiên, trong các Điều 11 và 12, TT này lại quy định hình thức kiểm tra hồ sơ và kiểm tra xác suất được quy định áp dụng “cho cả loại hình gia công và nhập khẩu sản xuất xuất khẩu”.

Bên cạnh đó, TT mới quy định về địa điểm kiểm tra hàng hóa cũng kém thuận lợi hơn. Cụ thể, trước TT 37, hàng hóa được cơ quan hải quan cho phép đưa về kiểm tra tại kho DN. Cách làm này nhằm tránh quá tải kho bãi tại cảng, đồng thời giảm chi phí kho bãi cho DN. Thế nhưng, TT mới thì quy định toàn bộ hàng nhập khẩu phải kiểm tra tại cửa khẩu. Điều này gây khó cho DN do phát sinh thêm chi phí lưu kho bãi.

“Về chi phí kiểm tra, TT 37 tăng thêm phí “kiểm tra xác suất” là không hợp lý. Bởi trung bình một lô hàng cần kiểm tra hàm lượng formaldehyt, các amin thơm từ 3 - 4 mẫu, có lô tới 7 mẫu và chờ 3 - 5 ngày làm việc mới có kết quả. Với quy trình này, bình quân mỗi năm DN tiêu tốn cả trăm triệu tới vài tỷ đồng cho khâu kiểm tra”, ông Bùi Văn Mười, Giám đốc Công ty TNHH SX TM May mặc Trường Sinh (quận 12), TPHCM than phiền.

Mặt khác, quy định đồng chứng nhận cũng không được áp dụng. Đại diện Công ty TCE Vina Denim (chuyên về dệt nhuộm vải jeans) cho biết, trong quá trình xuất khẩu, một số mã hàng dôi dư nên công ty xin chuyển tiêu thụ nội địa. Mặc dù công ty có chứng chỉ Oeko - Tex Standard 100 do Đức cấp, công nhận vải jeans Denim an toàn với người sử dụng nhưng theo TT 37 vẫn phải gửi mẫu kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo. Đây là một sự lãng phí không đáng có đối với DN.

Kiểm tra veston trước khi xuất khẩu. Ảnh: CAO THĂNG

Cấp thiết áp dụng quy trình quản lý rủi ro

Khảo sát về mức độ thuận lợi của DN trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành do Ban Quản lý Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) thực hiện cho thấy, DN vẫn đang rất chật vật tại các cửa ngõ thông quan để đưa được hàng hóa của mình ra thị trường nước ngoài cũng như đi sâu vào thị trường nội địa. Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia GIG, cho biết thống kê năm 2015 cho thấy, tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành rất cao. Cụ thể, chiếm 30% - 35% tổng số lô hàng nhập khẩu; 62% DN khảo sát có hàng hóa phải kiểm dịch; 55% DN khảo sát có hàng hóa phải kiểm tra chất lượng; 36,2% DN khảo sát có hàng hóa kiểm tra an toàn thực phẩm.

Thời gian kiểm tra khá dài, phổ biến từ 24 - 48 giờ. Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam thì thời gian kiểm tra chuyên ngành còn kéo dài hơn, khoảng từ 168 - 240 giờ, thậm chí có những mặt hàng lên đến 400 giờ. Hơn 70% DN được lấy ý kiến khẳng định, thời gian kiểm tra chuyên ngành hiện nay còn chậm hơn năm 2014, bất chấp những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đang thực hiện.

Lý giải vấn đề trên, đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định, việc chậm thông quan không hẳn do lỗi từ phía hải quan. Những bức xúc gần đây mà Tổng cục Hải quan nhận được nhiều từ DN phần lớn rơi vào vấn đề liên quan thủ tục kiểm tra chuyên ngành của các bộ ngành liên quan. Trong đó, riêng lĩnh vực dệt may, Tổng cục Hải quan cũng đã chuyển ý kiến của hiệp hội đến Bộ Công thương đề nghị giải quyết.

Tại hội nghị gỡ khó cho DN do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bộ Công thương cho biết, đang tiến hành nghiên cứu để tháo gỡ rào cản trên. Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để tháo gỡ những vướng mắc trong TT 37, trước mắt Bộ Công thương nên rà soát lại những điều khoản còn bất hợp lý để nhanh chóng sửa đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Trong đó, nên chia sản phẩm dệt may nhập khẩu thành hai loại là sản phẩm dệt may nhập để gia công, sản xuất xuất khẩu và sản phẩm dệt may nhập khẩu để tiêu thụ nội địa. Bởi sản phẩm dệt may nhập để gia công, sản xuất xuất khẩu nên quy định không thuộc đối tượng phải kiểm tra formaldehyt và amin thơm. Đối với sản phẩm dệt may nhập khẩu để tiêu thụ nội địa phải kiểm tra formaldehyt và amin thơm, nhưng theo hướng khắc phục những bất cập hiện hành như về thời hạn kiểm tra, phạm vi kiểm tra, thủ tục kiểm tra…

Bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng với những sản phẩm nhập khẩu từ những khu vực có tiêu chuẩn cao hơn Việt Nam hoặc sản phẩm có chứng nhận của các tổ chức có uy tín của nước xuất khẩu thì được miễn trừ kiểm tra chuyên ngành và áp dụng biện pháp quản lý rủi ro với DN nhập khẩu, nhà sản xuất hoặc cung ứng thường xuyên đạt yêu cầu. Có như vậy mới giảm lãng phí, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho DN. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để DN nắm bắt cơ hội ký kết những đơn hàng ngắn, tăng cường giao thương và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, cho biết hải quan đã phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để lấy mẫu, hạn chế việc kiểm tra nhiều lần, gây tốn kém cho DN. Tránh kiểu hôm nay một đơn vị tới lấy mẫu kiểm tra, sau đó container bốc đi chỗ khác; chiều đến một đơn vị khác lại tới lấy mẫu… Câu chuyện kiểm tra chuyên ngành cho thấy, một ngành cải cách chưa đủ, mà cần có sự phối hợp tập trung của nhiều ngành cùng cải cách đồng loạt. Đồng thời, nên tạo điều kiện cho những DN chấp hành tốt quy định pháp luật được giải phóng hàng sớm, bởi phí lưu kho, lưu bãi rất tốn kém.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin cùng chuyên mục