Quỹ hỗ trợ, phát triển điện ảnh - Vẫn tiếp tục chờ

Đã từng được kỳ vọng là một trong những giải pháp tích cực đối với điện ảnh trong nước nhưng sau 10 năm kể từ khi Luật Điện ảnh có hiệu lực và 5 năm kể từ khi Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL kêu gọi thành lập quỹ thì tới thời điểm này, câu chuyện về Quỹ Hỗ trợ, phát triển điện ảnh vẫn đang ở vạch xuất phát.

Đã từng được kỳ vọng là một trong những giải pháp tích cực đối với điện ảnh trong nước nhưng sau 10 năm kể từ khi Luật Điện ảnh có hiệu lực và 5 năm kể từ khi Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL kêu gọi thành lập quỹ thì tới thời điểm này, câu chuyện về Quỹ Hỗ trợ, phát triển điện ảnh vẫn đang ở vạch xuất phát.

Cần sửa luật

Trong Luật Điện ảnh, Quỹ hỗ trợ, phát triển điện ảnh được Chính phủ quy định thành lập nhằm mục đích hỗ trợ sản xuất phim thể nghiệm nghệ thuật, phim đầu tay được tuyển chọn để đưa vào sản xuất, thưởng cho phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, hỗ trợ cho các hoạt động khác để phát triển điện ảnh… Không chỉ các hãng mà nhiều đạo diễn, người yêu điện ảnh đã đặt nhiều kỳ vọng vào quỹ này.

Chia sẻ với báo chí, nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn bày tỏ: “Giới làm phim đã trông chờ sự ra đời của quỹ này từ rất lâu. Với nhiều người, việc phải tìm nguồn hỗ trợ từ các quỹ nước ngoài là điều cực chẳng đã. Bởi các quỹ này chủ yếu tài trợ những bộ phim phản ánh mặt trái của xã hội. Trong khi chúng ta cần những bộ phim phản ánh đúng đắn và nhân văn hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam. Song tiếc thay sau nhiều năm, quỹ vẫn chưa được thành lập”.

Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thực hiện từ kinh phí Nhà nước đạt kết quả về doanh thu và khán giả

Chia sẻ về việc chậm trễ này, TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết, việc soạn thảo thành lập quỹ được thực hiện từ 2010. Bộ VH-TT-DL cũng đã 2 lần trình Thủ tướng xem xét nhưng quỹ chưa được thành lập vì chưa xác định được nguồn vốn. “Nếu không có nguồn thu ổn định thì không duy trì được quỹ. Mà như thông lệ quốc tế, nguồn thu cơ bản này là từ vé, tất nhiên vẫn có hỗ trợ của nhà nước. Bộ từng đề xuất trích 3% từ giá vé xem phim, nhưng điều này không được chấp thuận vì vướng các quy định hiện hành khác. Ở Pháp, các đài truyền hình phải đầu tư 30% - 35% kinh phí cho các dự án phim qua Trung tâm Điện ảnh quốc gia. Quy định này nằm trong luật của họ. Trong khi ở Việt Nam thì ngược lại, phim điện ảnh muốn chiếu trên truyền hình phải có tài trợ”, bà Ngô Phương Lan nói thêm.

Là người theo sát việc thành lập quỹ này từ những ngày đầu, ông Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, cũng nhấn mạnh các nước Đông Nam Á đều đã có quỹ hỗ trợ điện ảnh. “Từ năm 2005, Hàn Quốc cũng đã lập Quỹ đầu tư phát triển điện ảnh với sự chung tay đóng góp của doanh nghiệp điện ảnh và Chính phủ. Chính phủ Hàn Quốc quy định trích 3% giá vé đóng góp cho quỹ này. Số tiền vận động góp vào quỹ này đến năm 2015 dừng lại ở mức khoảng 2.000 tỷ won nhưng thực tế khi Chính phủ huy động đã lên tới 11.000 tỷ won. Các nhà làm phim chờ đợi ở quỹ nhiều, song tiếc thay đối với Việt Nam, quỹ này vẫn chưa thể ra đời vì trái với nhiều quy định hiện hành. Muốn quỹ không còn nằm trên giấy thì buộc phải sửa luật”, ông Duy Anh nói.

Kinh phí làm phim vẫn ách tắc

Cũng liên quan tới việc hỗ trợ sản xuất phim điện ảnh, việc xây dựng quy định về đấu thầu phim mặc dù được coi là có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn chưa đi được đến kết quả cuối cùng. Lãnh đạo Cục Điện ảnh cho biết nhiều phương án đấu thầu được đơn vị này đề xuất nhưng vẫn chưa được thông qua. Vì thế, từ cuối năm 2015 và trong năm 2016, nguồn ngân sách của nhà nước dành cho làm phim bị ách lại cũng vì chưa có được thông tư đấu thầu sản xuất tác phẩm điện ảnh.

Chia sẻ về vướng mắc này, TS Ngô Phương Lan cho biết sau nhiều lần không có kết quả tốt, đầu năm 2016, cục đã phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính, Cục Quản lý đấu thầu để tìm cách gỡ, theo hướng việc sản xuất phim từ ngân sách nhà nước sẽ không phải đấu thầu rộng rãi mà thay vào đó được khoanh vào danh mục đặc biệt. Hiện danh mục này đã được trình và đang chờ Chính phủ chấp thuận. “Chúng tôi cũng sẽ xây dựng hướng dẫn cụ thể cho danh mục đặc biệt này”, bà Ngô Phương Lan cho biết và tin tưởng trong năm tới, đấu thầu phim sẽ có những tín hiệu lạc quan mới.

Cũng theo bà Phương Lan, sau 10 năm thực thi Luật Điện ảnh, một số quy định chưa đầy đủ hoặc thiếu so với đòi hỏi của thực tiễn phát triển điện ảnh như quy định về chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, những người làm công tác điện ảnh, quy định quản lý phát hành, phổ biến phim thông qua môi trường internet, mạng viễn thông di động, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý…cũng đã được ghi nhận.

Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH-TT-DL, cũng cho biết: “Luật Điện ảnh sẽ được sửa chữa, thậm chí sửa chữa nhiều để phù hợp với nhiều bộ luật mới được ban hành, đồng thời phù hợp với tình hình thực tế, để hỗ trợ tối đa sự phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam. Bảo hộ điện ảnh trong nước là cần thiết, tuy nhiên cũng phải phù hợp với các cam kết quốc tế mà chúng ta đã tham gia”.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục