* Nhiều doanh nghiệp BĐS tại Cần Thơ gặp khó khăn
(SGGP).- Ngày 10-9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quy hoạch Hà Nội - Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản (BĐS) do Hội Quy hoạch đô thị VN, Hiệp hội BĐS VN, Hội Truyền thông TP Hà Nội tổ chức. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS và hàng trăm nhà đầu tư với mong muốn có được những thông tin cập nhật nhất về tác động của quy hoạch chung với thị trường BĐS.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng những tác động từ quy hoạch chung Hà Nội đến thị trường BĐS hiện nay còn rất mờ nhạt.
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cách đây hơn 1 năm, vào cuối năm 2009, thời điểm lấy ý kiến về đồ án quy hoạch chung Hà Nội, thị trường BĐS Hà Nội đã trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, sau khi quy hoạch chung được phê duyệt, thị trường BĐS Hà Nội lại rất trầm lắng. Theo ông Chính, bên cạnh nhiều nguyên nhân tác động đến thị trường BĐS trong đó có chính sách tín dụng thì một nguyên nhân quan trọng là do các nhà đầu tư vẫn đang “án binh bất động” chờ quy hoạch chi tiết các phân khu.
Ông Phan Thành Mai, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng để khơi thông thị trường và biến tiềm năng thành hiện thực, TP Hà Nội cần trả lời được những câu hỏi quan trọng như kế hoạch nào để cung ứng nhà ở cho hơn 10 triệu dân vào năm 2030, kế hoạch ngân sách nào, nguồn vốn nào được huy động để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị theo quy hoạch?
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cần cung cấp sớm những thông tin triển khai đồ án quy hoạch chung Hà Nội, cụ thể là cập nhật thông tin về quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết giúp các nhà đầu tư lựa chọn những lĩnh vực đầu tư phù hợp. Tại hội thảo, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng vẫn thiếu những thông tin mới về diễn biến tiếp theo của quy hoạch và thiếu những đánh giá chính xác của các chuyên gia về tác động của quy hoạch chung Hà Nội đến thị trường.
Hôm qua, gần 100 doanh nghiệp kinh doanh BĐS tại Cần Thơ đã có buổi tọa đàm với các sở, ngành và lãnh đạo UBND TP Cần Thơ để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS tại địa phương. Hầu hết ý kiến của các doanh nghiệp BĐS tập trung vào những khó khăn từ nguồn vốn vay, cách tính tiền sử dụng đất; quy trình nghiệm thu các dự án; thủ tục thiếu minh bạch… “Giá đầu vào tăng, trong đó lớn nhất là chi phí giải phóng mặt bằng, lãi suất vay quá cao 22%-25%; ngân hàng giảm dư nợ phi sản xuất… dẫn đến giao dịch mua bán sụt giảm, đầu tư chậm lại. Nhiều doanh nghiệp không bán được hàng, mất khả năng cân đối tài chính và thanh khoản; thiếu vốn đầu tư, công trình dở dang” - ông Nguyễn Văn Dược, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội BĐS Cần Thơ, nhận định. Một số doanh nghiệp trên địa bàn đã hạ giá bán đất nền và nhà dưới giá thành để tái tạo nguồn vốn. Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp BĐS. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành liên quan nhanh chóng giải quyết các kiến nghị chính đáng của doanh nghiệp để hỗ trợ thiết thực cho họ trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cần Thơ được đánh giá là một trong những địa phương năng động, bộ mặt đô thị phát triển mạnh nhất trong 10 năm qua ở ĐBSCL. Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp can thiệp kịp thời của nhà nước và địa phương thì nguy cơ nhiều doanh nghiệp BĐS bị phá sản rất cao, tiến trình đô thị hóa của Cần Thơ sẽ chậm lại.
B.QUYÊN - C.PHONG