Quy hoạch công viên khoa học và công nghệ

UBND TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung liên quan đến việc quy hoạch khu công viên khoa học và công nghệ tại TPHCM. Khu này có tổng diện tích khoảng 195ha đặt ở quận 9, có sứ mệnh hướng dẫn phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao chủ lực của TPHCM và khu vực.

 

Khu Công viên khoa học và công nghệ được quy hoạch tại phường Long Phước, quận 9, TPHCM Ảnh: CAO THĂNG
Khu Công viên khoa học và công nghệ được quy hoạch tại phường Long Phước, quận 9, TPHCM Ảnh: CAO THĂNG

Hình thành khu công nghệ cao thứ 2

TPHCM là một trong những đô thị phát triển nhất của cả nước về lĩnh vực khoa học, đào tạo công nghệ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao và phát triển trở thành trung tâm kinh tế - kỹ thuật khoa học công nghệ của cả nước. Sự phát triển của khoa học và công nghệ cùng với sự phát triển giáo dục và đào tạo đang là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Triển khai Chương trình hành động của Thành ủy TPHCM thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, UBND TPHCM đã xây dựng kế hoạch, trong đó có nhiệm vụ đầu tư xây dựng khu công nghệ cao thứ 2, mở rộng phát triển Công viên phần mềm Quang Trung hiện hữu. Đưa khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, công viên khoa học và công nghệ… trở thành mũi nhọn đột phá, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM. 

Theo UBND TPHCM, việc lựa chọn mô hình khu công nghệ cao thứ 2 ở giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM từ năm 2012-2025 cần thỏa mãn 3 yêu cầu: Nối kết và phát huy kết quả xây dựng khu công nghệ cao thứ nhất và tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm các khu công nghệ cao - công viên khoa học thế hệ mới, hiện đại tại các nước phát triển công nghệ cao thành công, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế TP theo hướng bền vững; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP, dẫn hướng cho công nghiệp công nghệ cao, phù hợp với thế mạnh, nguồn lực của TP; thích nghi với bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu; trong đó có hợp tác, hội nhập về hoạt động khoa học, công nghệ và đào tạo nhân lực công nghệ cao. 

Qua các kỳ hội thảo về lựa chọn mô hình khu công nghệ cao thứ hai của TPHCM, đa số ý kiến của các đại biểu thống nhất xác định mô hình khu công nghệ cao thứ 2 là công viên khoa học và công nghệ. Hoạt động trong khu công nghệ cao thứ 2 nối kết chặt chẽ với khu công nghệ cao hiện hữu; có tính chất nâng cao, bổ sung những chức năng chưa hoàn thiện của khu công nghệ cao thứ nhất.
 
Kiến nghị điều chỉnh chức năng sử dụng đất

Nhằm thực hiện công tác phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 Khu Công viên khoa học và công nghệ tại phường Long Phước, quận 9, UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP điều chỉnh chức năng quy hoạch sử dụng đất từ quy hoạch đất du lịch, di tích và danh thắng thành đất khu công viên khoa học và công nghệ. Nội dung này sẽ được cập nhật vào điều chỉnh đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể tại Công văn số 136/TTg-CN ngày 1-2-2019. Theo đó, Khu Công viên khoa học và công nghệ có tổng diện tích khoảng 195ha, khu vực quy hoạch được giới hạn bởi phía Đông giáp rạch Bà Nghiêm, rạch Ván; phía Tây giáp sông Tắc; phía Nam giáp sông Tắc, rạch Đỏ và rạch Bà Nghiêm; phía Bắc giáp sông Tắc.

Hướng quy hoạch khu công nghệ cao thứ 2 có tính mở, đặt quan hệ nối kết với tất cả các doanh nghiệp, trường đại học, viện, phòng nghiên cứu… không nằm trong khuôn viên khu công nghệ cao. Cơ chế quản lý và môi trường làm việc, sinh hoạt phải tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhà công nghệ làm việc trong khu công nghệ cao thứ 2 có được môi trường sống tốt nhất, có không gian kết nối hữu cơ với trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Hoạt động của nghiên cứu ươm tạo công nghệ có tính dẫn hướng, tạo dựng các ngành công nghiệp công nghệ cao cho cả vùng và quốc gia. Là nhân tố mới cho sự phát triển của TP với định hướng hình thành nền kinh tế tri thức, xây dựng nền sản xuất, dịch vụ tiên tiến, sản phẩm công nghệ có giá trị gia tăng cao, có tính dẫn hướng sản xuất công nghiệp công nghệ cao, có sức lan tỏa ra khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế xanh, bền vững. Khu công viên khoa học và công nghệ TPHCM sẽ là nơi tạo môi trường thuận lợi để ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của TP và có sứ mệnh dẫn hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao chủ lực của TP và khu vực. Ngoài ra, đây là khu vực nghiên cứu, thực nghiệm, cải tiến và chuyển giao công nghệ, có mối quan hệ mật thiết với khu công nghệ cao hiện hữu; là khu vực dành cho các doanh nghiệp kỹ thuật cao với mục tiêu áp dụng triển khai các thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất cũng như nghiên cứu cải tiến; cùng với khu công nghệ cao hiện hữu là 1 trong 3 khu vực hạt nhân trong cấu trúc đô thị sáng tạo phía Đông của TP gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức. 

Việc thành lập khu công viên khoa học và công nghệ là để hoàn chỉnh ý tưởng hình thành khu đô thị khoa học và công nghệ theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, xây dựng TPHCM đến năm 2025, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg. Trong khu đô thị khoa học và công nghệ, khu công nghệ cao sẽ gắn kết với các trường đại học kề bên về nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến, ứng dụng vào sản xuất, đời sống.

Tin cùng chuyên mục