Quy hoạch để Thừa Thiên - Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa tổ chức hội thảo góp ý báo cáo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham dự của hơn 100 đồng chí là lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương; các hội liên quan đến quy hoạch, Hiệp hội doanh nghiệp cùng các doanh nghiệp lớn của tỉnh,… và đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh này.


Tầm nhìn mới để đón đầu các xu thế phát triển

Phát biểu đặt vấn đề tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa hết sức quan trọng, đây được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2022.

Đặc biệt, trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, tỉnh Thừa Thiên - Huế kỳ vọng sẽ khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế đã được nhận diện, định hình cho từng không gian phát triển để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, từng vùng, với một tầm nhìn mới để đón đầu các xu thế phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng như hiện nay; đảm bảo sự phát triển của tỉnh trong tương lai; nhằm nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Quy hoạch để Thừa Thiên - Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ảnh 1 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại hội thảo

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mong muốn nhận được nhiều ý kiến tham gia đóng góp để tỉnh Thừa Thiên - Huế hoàn thiện các định hướng, phương án, nhiệm vụ và giải pháp phát triển toàn diện tỉnh trong 10 năm đến và định hướng cho 30 năm tới, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025, và là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các đơn vị tư vấn báo cáo, phân tích các chuyên đề về quy hoạch tỉnh. Các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các sở ban ngành, địa phương tham gia ý kiến đối với những nội dung thuộc ngành/lĩnh vực, lãnh thổ phụ trách, đề xuất các nội dung cụ thể trong quy hoạch tỉnh; trong đó tập trung vào việc lựa chọn phát triển du lịch – dịch vụ là kinh tế mũi nhọn hay là phát triển công nghiệp.... Đồng thời các hội, hiệp hội, doanh nghiệp với kinh nghiệm thực tiễn tham gia phát biểu, phản biện và đóng góp chuyên sâu đối với những nội dung của quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thông tin về các kịch bản phát triển không gian và tổ chức lãnh thổ, phương án quy hoạch hệ thống đô thị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, đối với phương án mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến giai đoạn đến năm 2030, trên cơ sở các kịch bản, thành phố được dự kiến gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện: 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện…

Quy hoạch để Thừa Thiên - Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ảnh 2 Trung tâm TP Huế nhìn từ trên cao

Trình bày về nội dung các khâu đột phá trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế, TS. Phạm Văn Đại, chuyên gia kinh tế, Đại học Fulbright cho rằng, các khâu đột phá chính sẽ tập trung vào việc cải cách hành chính, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị di sản và kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ và hiện đại. Tăng cường các biện pháp phát triển kinh tế, dân số, nguồn nhân lực, huy động các nguồn vốn và liên kết vùng; đẩy mạnh đô thị hoá; mạnh dạn đổi mới sáng tạo, ứng dụng, phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, tạo động lực mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh. Đồng thời bảo tồn phát huy các di sản lịch sử, văn hoá và thiên nhiên. Bồi đắp, phát huy giá trị vai trò và con người Huế.

Đối với sắp xếp các cụm ngành ưu tiên chiến lược, TS. Phạm Văn Đại cho biết, các cụm ngành kinh tế quan trọng của Thừa Thiên - Huế có thể được phân loại thành 4 nhóm dựa theo quy mô hay lợi thế so sánh hiện tại của cụm ngành và tiềm năng, tăng trưởng trong tương lai.

Cụ thể, nhóm “Ngôi sao” bao gồm du lịch, giáo dục, công nghiệp may mặc: Tập trung đầu tư, quỹ đất sạch, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải thiện năng suất, cải thiện môi trường kinh doanh để các cụm ngành này trở thành động lực tăng trưởng chính

Nhóm “Bò sữa” bao gồm ngành sản xuất đồ uống: Duy trì hoạt động ổn định, tiếp tục tạo nguồn thu ngân sách lớn mà không đòi hỏi nhiều nguồn lực đầu tư mới. Tìm kiếm các cơ hội thu hút đầu tư mới hoặc dự án mở rộng nhằm đưa ngành trở lại nhóm “Ngôi sao”.

Nhóm “Dấu hỏi” bao gồm: công nghệ thông tin, sản xuất thuốc và hóa dược, công nghiệp văn hóa, công nghệ sinh học, sản xuất dụng cụ y tế, chế biến sâu silicat: thu hút đầu tư và xây dựng cụm ngành trở thành động lực tăng trưởng mới.

Nhóm “Nền tảng” bao gồm: các nhóm ngành khác như xi măng, sản xuất sản xuất từ kim loại, sản xuất VLXD, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, sản xuất và lắp ráp ô tô...: Khuyến khích phát triển ổn định và tìm kiếm các tiềm năng tăng trưởng mới…

Tận dụng tối đa nguồn lực để phát triển

Các đại biểu thống nhất cho rằng cần bồi đắp, phát huy giá trị vai trò và con người Huế

Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế Cung Trọng Cường cho rằng, trong việc định hướng các ngành nghề quan trọng như cụm công nghiệp, thương mại du lịch, cụm kinh tế nông nghiệp thì cần quan tâm đến kinh tế số. Ông Cường cũng đề xuất bổ sung các yếu tố phát triển bền vững, điều chỉnh các nhóm sản xuất có lượng phát thải lớn. Tách kinh tế biển ra khỏi nông nghiệp, đặc biệt là bổ sung kinh tế số vào nhóm ngành thương mại dịch vụ.

Liên quan đến quy mô dân số trong báo cáo quy hoạch tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đại Viên nêu quan điểm, cần quan tâm đến dân số quy đổi và tính khả thi của những con số khi dự báo quy mô dân số. Ngoài ra, ông Viên cho rằng, hệ thống giao thông cần đầu tư đồng bộ, nhất là những tuyến nối từ TP. Huế đến Phu Vang và Quảng điền; nghiên cứu đưa hệ thống giao thông đường thủy, giao thông xanh vào đô thị; nghiên cứu đầu tư nghĩa trang ở vùng đàm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Các chuyên gia cũng nhận định, quan điểm lập quy hoạch phải cụ thể hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 của đất nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch các ngành quốc gia, quy hoạch vùng; đảm bảo phát triển hài hòa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn; tính khả thi trong triển khai, đáp ứng các nhu cầu trong các giai đoạn 2021 – 2025 và 2026 – 2030; tạo nền tảng phát triển cho các giai đoạn tiếp theo, phù hợp với tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch để Thừa Thiên - Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ảnh 4 Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các đại biểu tại hội thảo. Đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các kiến nghị, góp ý của lãnh đạo các Sở, ban ngành để tiến hành hoàn thiện quy hoạch; cũng như tiến hành nghiên cứu, có những tham vấn cụ thể trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian đến.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu và chuyên gia còn phân tích và góp ý về phương án phân bố và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và các đơn vị hành chính cấp huyện; phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật; phương án phát triển hạ tầng xã hội.

Tin cùng chuyên mục